[THỜI SỰ] SAO KÊ CÓ THẬT HAY KHÔNG ?


Trong tháng 7 âm lịch năm nay 2021, trên mạng xã hội chúng ta nghe nói rất nhiều về "Sao Kê". Vậy trong chiêm tinh, sao này có thật hay không ?

CÂU TRẢ LỜI NGẮN: Dạ thưa là CÓ. Không những có 1 sao, mà có đến cả 2 chòm sao rất nổi tiếng khắp nhiều văn hóa Đông Tây kim cổ. Tuy chúng không gần "ngân hàng" nào trên Trái đất chúng ta nhưng chúng đều là một phần của dải Ngân Hà và cùng liên quan đến tiền bạc, thu nhập, thu ngân, kiểm đếm, ngân hàng và cả tính thẳng thắn, minh bạch cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm và hành động từ thiện, giúp đỡ người khác.

CÂU TRẢ LỜI DÀI:

Có hai chòm "Sao Kê", một chòm nằm trên vòng Hoàng Đạo (đường Mặt Trời di chuyển) và một chòm khác trên vòng Nguyệt Đạo (đường Mặt Trăng di chuyển).

*** PHẦN [ I ] TRÊN NGUYỆT ĐẠO

* Vị trí: Mặt Trăng di chuyển qua 28 chòm sao gọi là "Nhị Thập Bát Tú" (Lunar mansions / Nakshatra / 二十八宿 / منازل القمر hay नक्षत्र ). Trong chiêm tinh Trung Quốc / Việt Nam, "sao Kê" là chòm sao thứ 3 "Mão Nhật Kê" (昴日鸡) với cầm tinh là con Gà, nằm ở khu vực Hoàng Đạo từ 26°40' Dương Cưu đến 10°00 Kim Ngưu.

* Tên gọi: Đúng hơn thì phải gọi là "sao Mão" (昴), trong Hán Việt có nghĩa là "đầu có lông / bờm" của con Cọp Trắng phương Tây ( = Bạch Hổ khi phân chia Nhị Thập Bát Tú theo "tứ tượng" - 4 nhóm chòm sao của 4 phương hướng Phong Thủy) vì chữ Kê chỉ đóng vai trò tên của "cầm tinh" hay "biểu tượng" cho đặc tính của chòm sao này.

- Còn chữ "Nhật" ở giữa "Mão Nhật Kê" có nghĩa là chòm sao này được cai quản bởi Mặt Trời ( = Thái Dương), và chúng ta đều biết Mặt Trời là chủ tinh của dấu hiệu Sư Tử trên vòng Hoàng Đạo = biểu tượng của những "ông hoàng, bà chúa" (hoàng gia / royalty), ngành nghề giải trí, showbiz.

* Ngày tháng: Nếu mở xem lịch vạn niên cho năm 2021, chúng ta sẽ thấy những ngày dương lịch như 18/7, 15/8 và 12/9 ... đều là những ngày của "sao Kê" (lập lại mỗi 27 ngày).

* Văn hóa / truyền thuyết:

Đây là chòm sao nổi tiếng từ thời cổ đại nên "sao Kê" có rất nhiều tên gọi khác nhau. Ở đây, tôi chỉ liệt kê một số tiêu biểu.

- Thiên văn hiện đại: "Mão Nhật Kê" là tinh vân M45 hay còn gọi là cụm sao mở (open cluster) Pleiades gồm 7 ngôi sao cách Trái đất khoảng 444 năm ánh sáng trong khu vực chòm sao Kim Ngưu (Taurus). Có thể quan sát trên bầu trời đêm quanh năm, ngoại trừ tháng 6 và tháng 7 dương lịch (tháng 5 ~ 6 âm lịch). Hiện tại tháng 7 ~ tháng 8 âm lịch thì Pleiades xuất hiện ở phía Đông khoảng đúng nửa đêm (giờ Tý).

- Thần thoại Hy Lạp / phương Tây: Pleiades nghĩa là "chim bồ câu", hóa thân của 7 chị em con thần khổng lồ Atlas và nữ thần biển Pleione sinh ra trên núi Kyllini (Κυλλήνη όρος). Sau khi cha Atlas nhận nhiệm vụ gánh vác Trái đất trên vai mình, 7 tiên nữ này lúc tắm suối đã bị chàng thợ săn Orion si mê theo đuổi quấy rối nên vua thần Zeus ra tay giúp đỡ bằng cách biến họ thành chim bồ câu và sau đó vĩnh viễn thành 7 "ngôi sao Kê". Nếu thấy "sao Kê" mọc ở hướng Đông thì đúng 1 giờ 30 phút sau chòm sao Orion (Lạp Hộ) sẽ xuất hiện ngay tại cùng vị trí đó, như chạy đuổi theo 7 chị em "sao Kê" trên bầu trời.

- Châu Á:

. Việt Nam: "sao Kê" còn gọi là chòm sao Tua Rua (vì nhìn giống như cái tua rua để kết áo, may màn cửa), sao Mạ (dân gian miền Bắc), cụm sao Thất Nữ (七女) hay "7 cô gái".

. Trung Quốc: cách đây hơn 4000 năm (khoảng 2300 TCN), người Trung Quốc bắt đầu có Tết Trung Thu (節中秋). Mặc dù dân gian thường nói về câu chuyện "Hằng Nga và chú Cuội", nhưng nguồn gốc thật sự của Tết Trung Thu chính là ăn mừng một sự kiện thiên văn quan trọng - đó là thời điểm Trăng Rằm trùng tụ với "sao Kê" Pleiades xuất hiện ngay sau hoàng hôn (giờ Dậu) quanh ngày (tiết) Thu Phân. Ngày Thu Phân (Autumn equinox) là ngày mà Mặt Trời bắt đầu dịch chuyển từ Bắc Bán Cầu sang Nam Bán Cầu, rời khỏi cung Xử Nữ để đi vào cung Thiên Xứng trên vòng Hoàng Đạo, chính thức đi sâu vào mùa Thu và chuẩn bị sang mùa Đông ở Bắc Bán Cầu.

Hiện nay, tập tục mừng Tết Trung Thu đã được phổ biến sâu rộng ở các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, và ngày này cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia tại Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Người Ấn Độ gọi lễ này là "Sharad Purnima" trong âm lịch Hindu, đánh dấu kết thúc mùa mưa monsoon.

[ Do hiện tượng tuế sai (precession), ngày nay vị trí của "chị Hằng" Trăng Rằm và "sao Kê" Pleiades đã xê dịch nhau khoảng 80° trên bầu trời ( = gần 3x độ dài của 1 cung Hoàng Đạo !). Nghĩa là sau khi Trăng Rằm Trung Thu mọc lên đi trước thì sau đó khoảng 3 ~ 4 giờ mới đến lượt "sao Kê" Pleiades xuất hiện, thay vì 2 thiên thể này cùng đồng loạt mọc lên giống như ngày xưa hơn 4000 năm trước. Ngày tháng cũng có sự chênh lệch một tí - năm nay 2021, Trung Thu diễn ra vào 21/9 dương lịch và ngày Thu Phân là 23/9. Trong năm sau 2022, Thu Phân vẫn là 23/9 trong khi Trung Thu rơi vào ngày 10/9. Năm sau nữa 2023 thì Thu Phân vẫn 23/9, trong khi Trung Thu là ngày 29/9, gần với Trung Thu năm ngoái 2020 là ngày 1/10. ]

. Nhật Bản: "sao Kê" Pleiades được gọi là "Subaru" (昴 / すばる) nghĩa là "tụ tập" hay "đoàn kết" và cũng là tên và logo của một hãng xe ô tô nổi tiếng mà Toyota hiện đang có 20% cổ phần. Tiền thân của Subaru là công ty TNHH Nakajima Aircraft Company chuyên sản xuất máy bay quân sự cho đế quốc Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau chiến tranh, công ty Nakajima gộp lại chung với 4 công ty khác để trở thành công ty mẹ của Subaru là Fuji Heavy Industries.

. Ấn Độ: người Hindu tin rằng "sao Kê" Pleiades là hiện thân của 7 bà vợ của 7 vị thánh trong chòm sao Bắc Đẩu (Ursa Major). Điều thú vị đó là mắt thường con người chúng ta chỉ thấy được 6 ngôi sao trong "sao Kê" Pleiades. Vậy ngôi sao thứ 7 nằm ở đâu ? Hơn 100 nghìn năm trước, ngôi sao thứ 7 Pleione nằm tương đối xa với sao Atlas, nên người xưa đã có thể phân biệt rõ và ghi nhận đếm được 7 ngôi sao trong Pleiades. Vài ngàn năm gần đây thì sao Pleione đã di chuyển đến gần sát sao Atlas nên mắt thường nhìn lên thì tưởng chỉ có 1 ngôi sao sáng là sao Atlas, nhưng nếu "zoom" lớn bằng kính viễn vọng thì sẽ thấy rõ 2 sao khác nhau.

Do đó, câu chuyện của người Hindu dường như đã có sự "điều chỉnh" (khoảng năm 3000 ~ 5000 TCN) khi cho rằng 6 bà vợ đã bỏ chồng để chạy theo "trai đẹp" là thần Lửa Agni và trở thành nhóm "sao Kê" Pleiades, còn bà vợ thứ 7 chung thủy thì chạy về sống chung với chồng trong chòm sao Bắc Đẩu. Nếu nhìn kỹ ngôi sao thứ 2 trên phần cán của sao Bắc Đẩu, chúng ta sẽ thấy có 2 ngôi sao ở khu vực này là sao Alcor (thánh Vasistha) và sao Mizar (bà vợ thứ 7 Arundhati). Trong Tử Vi Việt Nam, 2 ngôi sao "cặp đôi" này tạo thành sao Vũ Khúc thuộc nhóm Bắc Đẩu Tinh.

Một dị bản khác từ Ấn Độ xuất hiện trên bia đá vào khoảng năm 100 ~ 500 SCN cho rằng khi cậu bé Subrahmaṇya (thần chiến tranh Kārtikeya) con trai của thần cha Shiva và thần mẹ Parvati được sinh ra trong đám cỏ lau để tiêu diệt quỷ dữ Tarakasura, họ đã phải nhờ đến 6 bà vú nuôi để cung cấp đủ lượng sữa cho cơ thể với 6 cái đầu và 12 cái tay của cậu. Sáu bà vú này cũng chính là 6 bà vợ của thần Mặt Trăng Chandra. Để thưởng công nuôi dưỡng, 6 bà vợ này sau được phong lên thành 6 ngôi sao trong chòm sao Krittika ( = "sao Kê" Pleiades). Trong hình minh họa cho bài viết này, chúng ta có thể thấy thần chiến tranh Kārtikeya ngồi trên một con công (peacock) làm phương tiện di chuyển và ra trận. Con công thuộc họ chim Trĩ (tên khoa học Phasianidae), là bà con với tất cả các loài gà "sao Kê".

- Châu Âu: thời kỳ Đồ Đồng (Bronze Age, 3300 ~ 1200 TCN), "sao Kê" Pleiades được xem là điềm xấu, xui xẻo, than khóc và tang tóc. Người Celtic xem "sao Kê" Pleiades là cánh cổng để linh hồn người chết bước qua "thế giới bên kia" và sự xuất hiện của chòm sao này vào mùa Thu là thời gian cho những nghi lễ tưởng niệm người quá cố. Quan niệm này có lẽ đã lan truyền ảnh hưởng đến văn hóa châu Á về tháng 7 "cô hồn", song song với dị bản bên Ấn Độ về công dưỡng dục của 6 bà vú với tục "Vu Lan báo hiếu" - là thời điểm trong năm khi "sao Kê" xuất hiện ở hướng Đông vào đúng nửa đêm (giờ Tí) khoảng 3000 năm trước.

- Châu Úc và châu Mỹ (Nam Bán Cầu): từ thổ dân Maori ở New Zealand (gọi "sao Kê" là Matariki = mắt thần hoặc những con mắt nhỏ) cho đến văn hóa Aztec (Mexico, Trung Mỹ xích đạo) và Andes (dọc bờ biển Tây Equador đến Chile) thì sự xuất hiện của "sao Kê" Pleiades buổi tối báo hiệu thời điểm mùa xuân, Năm Mới, là lúc ca hát, ăn uống, họp chợ nhộn nhịp, tưởng niệm gia tiên và là cao điểm của sự sung túc, thịnh vượng mùa màng.

- Châu Mỹ (Bắc Bán Cầu): các thổ dân da đỏ như Lakota, Cherokee, Hopi, Blackfoot, Navajo ... cũng có truyền thuyết về "sao Kê" Pleiades tương tự như các nơi khác trên thế giới, nghĩa là câu chuyện của họ cũng liên quan đến "chết chóc" hay "7 cô gái", "7 chàng trai" hoặc "7 phụ nữ".

- Kinh Thánh: "sao Kê" Pleiades gọi là "Khima" (hay kimah / כימה) được nhắc đến 3 lần chung với chòm sao Lạp Hộ (Orion) trong các sách Cựu Ước như A-mốt (Amos) 5:8, sách Gióp (Job) 9:9 và Gióp 38:31.

* Chiêm tinh:

- Trên vòng Hoàng Đạo: "sao Kê" là khu vực từ 26°40' Dương Cưu đến 10°00 Kim Ngưu. Điều này có nghĩa là những người được gọi là "có sao Kê chiếu mạng" hay "có tuổi sao Kê" sẽ có ít nhất 1 trong các yếu tố sau trong lá số:

1) Sinh vào giờ "sao Kê" = có điểm Mọc (Ascendant) trong khu vực Hoàng Đạo nói trên.

2) Sinh vào ngày "sao Kê" = có Mặt Trăng trong khu vực nói trên

3) Sinh vào tháng "sao Kê" = Mặt Trời trong khu vực nói trên (thường rơi vào khoảng 4 ngày cuối cùng của tháng Dương Cưu 16/4 ~ 19/4 và 10 ngày đầu tiên của tháng Kim Ngưu 20/4 ~ 29/4)

4) Có 1 hay nhiều hành tinh trong khu vực nói trên

5) Người sinh vào tháng Thiên Xứng, Bọ Cạp, Nhân Mã + (và nhất là) sinh vào buổi tối sau khi Mặt Trời lặn thì cũng xem là "có sao Kê chiếu mệnh" vì "sao Kê" nằm ở cung Nhà 7 (hoặc 6 hay 8 ) hoặc / và khu vực đối diện với Mặt Trời. (yếu tố này có nhưng thường không mạnh lắm, cường độ thay đổi tùy theo lá số)

6) Sinh vào cuối năm Thìn và đầu năm Tị (cường độ cũng như yếu tố số 5)

(càng hội nhiều yếu tố thì tính chất "sao Kê" càng thể hiện mạnh)

- Trong chiêm tinh Ấn Độ, "sao Kê" Pleiades dịch thẳng từ chữ gốc "Krittika" (tiếng Phạn कृत्तिका ) - nghĩa là "con dao" hay "cây kéo", trong khi người Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan thì xem biểu tượng "sao Kê" là con Gà (Gallus sp). Một số trường phái xem "sao Kê" là chòm sao đứng đầu ( = đầu tiên, khởi đầu) trong vòng Nhị Thập Bát Tú, một số khác thì xem như đứng thứ nhì, trong khi CCT tôi và đa số trường phái khác thì xem "sao Kê" Pleiades đứng thứ ba.

- Như tôi đã có nói trong báo cáo "Định Hướng Nghề Nghiệp" (thông tin ở đây: cct.tips/dhnn và đăng ký ở đây: cct.tips/dkdhnn), người có Mặt Trăng ở trong khu vực "sao Kê" có cầm tinh là con Gà và mục đích sống (life purpose) thuộc nhóm "Khoái Lạc" (Kama).

- Dù là con dao, chiếc kéo, mũi giáo / đầu lao (một số trường phái) hay con gà, điểm chung và ấn tượng nhất của người cầm tinh "sao Kê" là khả năng "cắt đứt" hoặc / và "đâm chọt", "mổ (xẻ)" đúng bất kỳ mục tiêu nào mà họ nhắm đến. "Đứt" đây được hiểu theo nghĩa bóng hàm chứa một sự hy sinh, dứt bỏ, "gãy gánh giữa đường". Còn nghĩa đen là sự đứt lìa, đứt đoạn cho đến xử trảm ... đứt đầu !

- Là những người chân chất, thật thà nhưng họ cũng có trí tuệ rất sắc bén, bộc trực và thẳng thắn. Vâng, họ thẳng đến nỗi khiến người khác đôi khi cảm thấy họ "tồ tồ", thô thiển (nhất là khi có người nhóm này thích nói chuyện oang oang lớn tiếng hoặc tục tĩu, hành vi thì "vồ vập" hay "ào ào"). Tuy nhiên, sự thô thiển ấy chẳng qua là những cảm xúc hỉ nộ ái ố rất "thật" và "thẳng như ruột ngựa", không có gì phải giấu diếm - và tôi tin rằng điều đó có cái hay, mà cũng có thể là cái dở.

- Vì có ảnh hưởng của "thần Chiến tranh" (truyền thuyết Ấn Độ), cai quản bởi Mặt Trời nên "sao Kê chiếu mệnh" còn là những người dũng cảm, ấm áp nhưng cũng rất nóng nảy, hung hăng. Tôi thường nghĩ về họ như là những "cái lò lửa di động" - họ không hẳn "ham vui" nhưng khi đi đến đâu là kéo theo sự ồn ào hay "phừng phừng" đến đó. Tùy theo lá số và hoàn cảnh giáo dục, có người có thể giỏi kìm nén tính nóng của mình đấy, nhưng thường không giữ được lâu nếu gặp đúng người biết "chọt". Vì mang một cái "lò lửa" nóng cháy bên trong, nên người "sao Kê" thường rất năng động, xông xáo. Người ta sẽ luôn thấy họ bận rộn làm một cái gì đó hoặc chăm chú lùng sục tìm kiếm một thông tin mới mà họ quan tâm. Mục đích đằng sau sự hiếu động này chính là để giải tỏa bớt sức nóng thiêu đốt từ "cái lò lửa" bên trong ấy.

- Nếu không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sao La Hầu, Kế Đô hay một số hành tinh vòng ngoài chi phối, người "có sao Kê chiếu mệnh" thường có xu hướng "khoe mình" (từ lời nói, ăn mặc cho đến trang sức) hoặc phơi bày tất cả nội tâm. Điều này nếu có chừng mực thì là tốt, thể hiện trên lá số Tử Vi bằng một sao Thiên Lương sáng sủa, rất tốt cho công việc dạy học, sư phạm, đào tạo hoặc hành chính. Họ có vẻ từ tốn, chậm rãi, nhưng thật ra họ không giỏi giữ bí mật.

- Vì họ được thừa hưởng tính thẳng thắn, cực kỳ nóng nảy của khu vực cuối Dương Cưu và đồng thời kết hợp tính bảo thủ nhưng thực tế, tài đong đếm của phần đầu dấu hiệu Kim Ngưu, nên "sao Kê chiếu mệnh" là những người rất có khiếu với ngành nghề cần sự "tính toán", "đong đếm" hoặc liên quan đến "tiền" hay "lương bổng" như ngân hàng, thu ngân, thủ kho, thủ quỹ, kế toán, kiểm toán, thu hồi công nợ hay thanh tra. Sự tính toán của họ tuy không nhanh nhạy, lém lỉnh như những người Xử Nữ, Song Tử hay được ảnh hưởng bởi Thủy Tinh, nhưng tài năng của người "sao Kê" nằm ở chỗ "có phương pháp" (methodical), có bài bản và kỹ năng hình thành qua một quá trình va chạm, rèn luyện để rồi lâu ngày nó đã trở thành một phản xạ bật lại nhanh trong tiềm thức, không cần phải đắn đo suy nghĩ nữa.

- Nếu các hành tinh nói trên nằm ở 1 trong 4 tiểu cung của khu vực "sao Kê" thì tính tình họ sẽ có thêm một số đặc điểm riêng như sau (trích nội dung trong báo cáo ĐHNN cct.tips/dhnn):

Tiểu cung 1: Thần sắc tỏa sáng, da thường ửng đỏ, hung hăng, hay gặp rắc rối với người khác phái
Tiểu cung 2: Hiểu biết kinh sách, nắm bí quyết hơn người, thích tranh cãi, lạm dụng sơ hở của người khác
Tiểu cung 3: Tướng đẹp, nhưng thường đau khổ, cay đắng, nên tránh đam mê hoang phí
Tiểu cung 4: Thông minh, sống thọ, con cái đầy đàn, tướng "có vẻ" hung dữ

*** PHẦN [ II ] TRÊN HOÀNG ĐẠO

"Sao Kê" chính là dấu hiệu thứ 6 = Xử Nữ trong dương lịch hoặc / và dấu hiệu thứ 8 = "Dậu" (con gà) trong âm lịch. Điều này có nghĩa là tất cả những người có ít nhất 1 trong các điều kiện sau:

1) Có giờ sinh Xử Nữ = nghĩa là điểm Mọc trong dấu hiệu Xử Nữ
2) Sinh vào tháng Xử Nữ (dương lịch)
3) Sinh vào tháng Dậu (âm lịch)
4) Sinh vào năm Dậu (âm lịch)
5) Có 1 hay nhiều hành tinh vòng trong ở Xử Nữ

(càng hội nhiều điều kiện thì tính chất Xử Nữ / Dậu càng tăng mạnh)

Ý nghĩa của Xử Nữ thì chắc tôi không cần nói nhiều, vì các bạn có thể đã biết qua, đọc trong sách vở có bày bán hoặc tự tìm thấy đầy trên mạng. Ở đây tôi chỉ nhắc lại một số tính cách / tính chất hay từ khóa mô tả về "sao Kê" Xử Nữ trong đời sống hàng ngày:

- Tính cách "tốt" (cần phát huy, đẩy mạnh): logic, tài phân tích, nhận định. Tận tụy, siêng năng, chăm chỉ. Giỏi "chịu khổ", sẵn sàng nằm gai nếm mật, nhẫn nhịn, có tinh thần trách nhiệm. Chính xác, chi li, tỉ mỉ, cầu kỳ, nhưng cũng đồng thời gãy gọn. Bẽn lẽn, nhút nhát, rụt rè, hay e lệ. Sạch sẽ, vệ sinh, gọn gàng, ngăn nắp. Tuân thủ luật pháp, có tính kỷ luật cao và tinh thần đồng đội rất tốt. Có tài hoặc "mát tay" về chuyện pháp lý, giấy tờ, biên tập, dàn dựng, vật lý, toán học, y khoa.

- Hành động / thao tác: liệt kê, sao kê, lên kế hoạch, lập danh sách. Tính toán, sắp xếp, bố trí, tổ chức. Lao động chân tay, làm việc theo dây chuyền (nhà máy, xí nghiệp) hay ê-kíp. Phục vụ, dịch vụ, tạp vụ. Tắm rửa, dọn dẹp, lau chùi. Tập dượt, rèn luyện kỹ năng. Thể dục thể thao, thể hình. Sửa chữa (máy móc), chữa bệnh (người, súc vật). Chăn nuôi - gia súc, thủy sản hay thú cưng.

- Thói xấu (cần lưu ý, khắc phục): thực dụng, hay chỉ trích, bươi móc, lý luận / tranh cãi, chì chiết. Hay kết bè, kết đảng, lập hội, lập nhóm, bầy đàn --> lấy đông hiếp yếu. Dễ adua theo đám đông nên không có lập trường, không có chính kiến (nhất là những người khuôn mặt không có cằm). Có tính kỳ thị, phân biệt giai cấp "chiếu trên, chiếu dưới" (không hòa đồng, dễ chịu như Bảo Bình và Song Ngư). Hay ganh đua, bon chen, chấp dứt những chuyện tiểu tiết, để ý vặt vãnh, nhìn cái cây mà không nhìn khu rừng. Rập khuôn một cách máy móc (thiếu đa dạng, sáng tạo, nhân ái), tính già hóa non. Hay lo sợ, suy diễn quá mức (paranoid).

[CCT]

* Phiên bản 1.2.0 đăng lần đầu ngày 6/9/2021, cập nhật lần 4 ngày 17/9/2021

* Link về bài viết này: cct.tips/saokeweb, bài gốc (FB): cct.tips/tEC2e hoặc cct.tips/saoke