Mỗi năm có hàng tá Sao Chổi được khám phá bằng các thiết bị thăm dò chuyên nghiệp và các nhà thiên văn học nghiệp dư. Hầu hết các Sao Chổi này đều mờ - không thể thấy bằng mắt thường, di chuyển theo quỹ đạo riêng của chúng và 99,9% dân chúng trên thế giới không biết đến. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một vài Sao Chổi cá biệt nào đó nổi bật và trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Những Sao Chổi này nổi bật là vì chúng có thể "thấy được bằng mắt thường", và hơn nữa, chúng đóng vai trò khá quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến con người theo khía cạnh Chiêm Tinh Học.
A. PHÂN BIỆT ĐỘ SÁNG CỦA SAO CHỔI
Trước hết, chúng ta cần hiểu như thế nào gọi là "thấy được bằng mắt thường" ? Độ sáng (m, magnitude) của một ngôi sao hay Sao Chổi được căn cứ dựa trên độ sáng chuẩn của sao Vega (còn gọi là sao Chức Nữ) trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra) theo quy tắc log (logarithm) thứ tự như sau:
[CÀNG (-), CÀNG SÁNG]
- (-26.74) = độ sáng của Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất
- (-12.90) = độ sáng của Trăng Rằm khi gần Trái Đất nhất
- (-4.14) = độ sáng trung bình của sao Kim (Kim Tinh, sao Mai / sao Hôm)
- (-4) = độ sáng của một thiên thể có thể thấy được vào ban ngày khi Mặt Trời lên cao
- (-1) = sáng hơn 250%
- (+0) = sáng 100% (sáng = sao Vega)
- (+1) = 40%
- (+2) = 16%
- (+3) = 6,3%
- (+4) = 2,5%
- (+5) = 1,0%
- (+6) = 0,4% ( = độ sáng tối thiểu để có thể thấy được bằng mắt thường vào ban đêm)
- (+7) = 0,16%
- (+8) = 0,063%
- (+9) = 0,025%
- (+10) = 0,010%
[CÀNG (+), CÀNG MỜ]
Vega và chòm sao Thiên Cầm (Lyra)
Như vậy, các Sao Chổi có độ sáng (+6) trở xuống (+5, +4, +3 ...) là có thể "thấy được bằng mắt thường" (trong điều kiện thời tiết lý tưởng), và trên (+6) thì phải cần kính viễn vọng hay kính thiên văn mới có thể thấy được. Từ hàng ngàn năm nay, Chiêm Tinh Học phần lớn dựa trên sự quan sát bằng mắt. Dù ngày nay có các thiết bị hiện đại để giúp con người thấy được rất xa trong vũ trụ, những thiên thể "thấy được bằng mắt thường" vẫn được xem trọng, vì kích thước và cự ly của chúng tác động TRỰC TIẾP đến con người và có thể nhận thấy rõ ràng. Như vậy, trong hàng trăm Sao Chổi khám phá hàng năm, chỉ có một số ít Sao Chổi có thể quan sát được bằng mắt, và đó là những Sao Chổi mà tôi sẽ đề cập ở đây.
Sao Chổi PanSTARRS - 10/3/2013
B. LỊCH SỬ XUẤT HIỆN CỦA ISON VÀ ĐẶC TÍNH VẬT LÝ CỦA SAO CHỔI
Cách đây gần 1 năm, tại đài thiên văn ISON-Kislovodsk, Nga, vào lúc 5:15 AM sáng ngày 21/9/2012, hai nhà khoa học người Nga, Vitali Nevski và Artyom Novichonok đã phát hiện một thiên thể lạ trong khu vực chòm sao Song Tử / Cự Giải. Sau khi được kiểm chứng bởi nhiều nhóm khác nhau trên thế giới, vật thể có ký hiệu "C/2012 S1" này đã được tuyên bố vào ngày 24/9/2012, và mọi người được biết đến với cái tên phổ thông là "Sao Chổi ISON" - viết tắt của "International Scientific Optical Network" - một hiệp hội các đài thiên văn chuyên quan sát các tiểu hành tinh và rác thải trong không gian.
ISON được phát hiện ngày 21/9/2012
Ở Chòi Chiêm Tinh, tôi đã bắt đầu tích cực theo dõi ISON từ tháng 7/2013 cũng như bắt đầu soạn viết bài này để cung cấp cho bạn đọc. Theo một số dự đoán, nếu không bị sức nóng trên 2000 ~ 3000 độ C thiêu hủy khi bay qua điểm gần nhất với Mặt Trời (gọi là điểm "cận nhật"), Sao Chổi ISON sẽ là thiên thể sáng nhất bầu trời, có lẽ ít nhất gấp 10x lần Kim Tinh (Venus/sao Hôm/sao Mai) hoặc sáng hơn cả Trăng Rằm, và có thể thấy được vào ban ngày ! Nếu là vậy, ISON sẽ đạt được danh hiệu "Đại Sao Chổi của năm 2013" ! Tuy nhiên, tôi không quá lạc quan như thế và vẫn sẽ tiếp tục theo dõi chuyển động của ISON trong tháng 9/2013 này.
Chòi Chiêm Tinh theo dõi ISON
* Một số ngày cần lưu ý về sao chổi ISON trong Chiêm Tinh Học:
Tháng 9/2013: ISON ở trong cung Sư Tử, chỉ có thể quan sát bằng kính thiên văn
22/09/2013: ISON bắt đầu trùng tụ với Hỏa Tinh trong 15°56' Sư Tử
01/10/2013: ISON cắt ngang quỹ đạo của Hỏa Tinh và gần Hỏa Tinh nhất
16/10/2013: ISON đi vào Xử Nữ
09/11/2013: ISON đi vào Thiên Xứng
12/11/2013: ISON bắt đầu thấy rõ bằng mắt thường ở độ sáng trên -5
20/11/2013: ISON đi vào Bọ Cạp
24/11/2013: ISON trùng tụ với Thổ Tinh + Sao Chổi Encke tại 14°52' Bọ Cạp
28/11/2013: ISON đi vào Nhân Mã, chịu sức nóng trên 3200°C từ Mặt Trời
29/11/2013: ISON ở điểm CẬN NHẬT (gần Mặt Trời nhất)
30/11/2013: ISON bắt đầu di chuyển nghịch hành
26/12/2013: ISON ở gần Trái Đất nhất
29/12/2013: ISON nhanh chóng mờ đi
02/01/2014: ISON chỉ có thể thấy được bằng kính thiên văn
Hành trình của ISON - từ lúc được khám phá cho đến giữa tháng 11/2013
Hành trình của ISON - từ 17/11/2013 đến tháng 1/2014
Bảng độ sáng của ISON tương quan với ngày tháng và vị trí cung Hoàng Đạo
ISON thuộc về nhóm Sao Chổi "sungrazers" (dịch: "kẻ gặm nhấm mặt trời") - là những Sao Chổi có cự ly bay rất gần sát với Mặt Trời. Vì bay sát như vậy, các Sao Chổi "sungrazers" thường bị tan chảy hoặc vỡ vụn trong môi trường nóng khắc nghiệt của Mặt Trời. Tùy theo thành phần vật chất và hóa học trong mỗi Sao Chổi mà chúng có thể tồn tại khi bay qua điểm cận nhật hay không. Thông thường, các Sao Chổi được đặt tên của người phát hiện ra chúng, nhưng vì báo cáo ban đầu của Nevski và Novichonok không nêu rõ vật thể vừa phát hiện đó là "Sao Chổi" mà phải do các nhóm nhà khoa học khác sau đó kiểm chứng và xác định đó là "Sao Chổi", nên mọi người đã lấy tên kính thiên văn ISON phát hiện ra Sao Chổi để đặt tên cho nó.
Các bạn có thể xem một minh họa tuyệt vời về chuyển động của ISON khi đi vào Hệ Mặt Trời tại đây:
http://www.solarsystemscope.com/ison/ (link này hiện nay chỉ hoạt động trên máy cũ có cài đặt chương trình Adobe Flash)
Năm 2013 có lẽ được gọi là "Năm Của Các Sao Chổi", vì có tới 4 Sao Chổi đáng lưu ý (thấy được bằng mắt thường):
- Sao Chổi Lemmon (ký hiệu C/2012 F6)
- Sao Chổi PanSTARRS (C/2011 L4)
- Sao Chổi ISON (C/2012 S1)
- Sao Chổi Encke (2P/Encke)
Hai Sao Chổi đầu tiên, Lemmon và PanSTARRS đã được nhìn thấy và quan sát rộng rãi ở các quốc gia thuộc phía Nam Bán Cầu (phía dưới đường xích đạo). Dưới đây là bản đồ hành trình của PanSTARRS và Lemmon theo Chiêm Tinh Học:
Sơ đồ di chuyển của Lemmon
Sơ đồ di chuyển của PanSTARRS
Hai Sao Chổi Lemmon và PanSTARRS cùng xuất hiện trên bầu trời trong tháng 3/2013
Về cấu tạo, sao chổi là những tảng khí (carbon, methane và nước) bị đóng băng khổng lồ xen lẫn một tỷ lệ nhỏ hơn là bụi, khoáng chất, phân tử hữu cơ và đất đá di chuyển trong không gian. Phần đuôi của Sao Chổi chỉ xuất hiện khi chúng bay gần Mặt Trời, gặp sức nóng và gió của Mặt Trời làm phần khí tan chảy giải phóng khí (và/hoặc hơi nước), và luồng khí này xòe ra ngược với hướng tác động trực tiếp của Mặt Trời. Hầu hết đuôi của các Sao Chổi xòe ra đều có 2 nhánh: một nhánh ngắn gồm những hạt bụi + khí, và nhánh dài hơn gồm các hạt điện ion.
Cấu tạo của một sao chổi
Ví dụ dưới đây là sao chổi Lemmon C/2012 F6, có nhánh đuôi ion dài và hẹp màu xanh dương nổi bật trên phần đuôi bụi và khí màu trắng nhạt (xòe ra và rộng hơn). Chúng ta cũng có thể thấy một vòng khuyên màu xanh lục bao phủ ở đầu Sao Chổi này - đó chính là phân tử khí carbon phát sáng dưới ánh sáng Mặt Trời:
Lemmon (C/2012 F6)
C. Ý NGHĨA CỦA SAO CHỔI TRONG CHIÊM TINH HỌC
Trong lịch sử, Sao Chổi từng được xem là những điềm báo, đôi khi là những chuyện xấu. Người Hy Lạp tiên đoán về Sao Chổi dựa trên quan sát về màu sắc và hình dạng của chúng, nhưng ngày xưa không có ô nhiễm và ánh đèn đô thị làm mờ bầu khí quyển như thế giới ngày nay. Hầu hết các người Hy Lạp và các nhà chiêm tinh cuối thời Trung Cổ và thời kỳ Phục Hưng cho rằng Sao Chổi là một điềm xấu, có tác động khoảng 1/8 thời gian kể từ khi chúng xuất hiện và biến mất, bắt đầu khi Mặt Trời và Hỏa Tinh đến gần chúng nhất khi quan sát.
Nhà văn Shakespeare đã viết, "Khi kẻ ăn mày chết đi, chẳng thấy có sao chổi nào cả [nhưng] các tầng trời nổi lửa trước cái chết của các hoàng tử" trong "Julius Caesar" - một vở kịch với chủ đề chính xoay quanh việc ám sát vị tướng độc tài La Mã, xảy ra trong khoảng thời gian cùng với sự xuất hiện của một Sao Chổi. Sao chổi Halley đã đến một lần vào khoảng thời gian sinh ra của Chúa Jesus, và lần kế tiếp lúc Đền thờ Do Thái ở Jerusalem bị vua Titus phá hủy. Cuộc đại giác ngộ và thức tỉnh về tôn giáo và tâm linh từ giữa thế kỷ thứ 19 dẫn đến sự xuất hiện của các giáo phái Mormon, Khoa Học Cơ Đốc, Baha'i (Iran) và Tâm Linh (Spiritualist), cũng như mong đợi trận chiến cuối cùng Armageddon, được cho là có liên quan ít nhiều đến Sao Chổi Biela vào năm 1844. Khoảng 3 tuần sau khi Đại Sao Chổi của năm 1881 có thể thấy được bằng mắt thường (22/6/1881), tổng thống James Garfield của Mỹ đã bị ám sát và qua đời khoảng 2 tháng sau đó. Khoảng 3 tháng sau khi Tebbutt xuất hiện, một siêu bão ở Hải Phòng đã cướp đi sinh mạng của 300.000 người Việt Nam trong tháng 10/1881.
Trong bức họa "Adoration of the Magi" (1305) của Giotto di Bondone, Ngôi Sao Bethlehem được thể hiện bằng Sao Chổi Halley.
Ngày 17/5/1882, khi quan sát Nhật Thực toàn phần, người ta bỗng phát hiện một Sao Chổi thuộc nhóm "sungrazer" đang tiến sát với Mặt Trời. Nếu không nhờ Mặt Trăng che khuất Mặt Trời lần đó, có lẽ sẽ không ai biết đến Sao Chổi có tên là "Tewfik" này. Sau đó 4 tháng, một Đại Sao Chổi bất ngờ xuất hiện trên bầu trời và được nhiều người quan sát từ phía Nam Bán Cầu. Đại Sao Chổi 1882 đó đã đạt đến điểm cận nhật vào ngày 17/9/1882 và sáng đến nỗi có thể nhìn thấy vào ban ngày. Trong tháng 10/1882, Đại Sao Chổi ấy đã vỡ ra làm nhiều mảnh và một số mảnh vụn vẫn còn sáng và thấy được bằng mắt thường cho đến tháng 2/1883.
Sao chổi Tewfik, xuất hiện khi nhật thực xảy ra vào ngày 17/5/1882
Nhìn lại lịch sử, năm 1882-1883 là những năm đầy những biến cố tang thương sau 2 lần Sao Chổi xuất hiện. Ngay sau lần Sao Chổi đầu tiên trong năm 1882, ngày 5/6, bão lụt đã giết trên 100.000 người tại Ấn Độ. 6/6, trận đánh Embabo giết 1.000 người ở Ethiopia, Phi Châu. 10/6, biểu tình chống chủ nghĩa thực dân ở Hy Lạp, 50 người Âu Châu bị chết. 17/6, Vòi rồng giết 130 người ở Iowa. 13/7, 200 người chết do xe lửa trật đường ray ở Nga. 3/9, Pháp, Việt Nam, Trung Quốc đánh nhau ở Hà Nội, hàng trăm người thương vong. Qua năm 1883, ngày 10/1, hỏa hoạn ở một khách sạn tại Winconsin, Mỹ đã giết 71 người. Sau đó vài ngày, hỏa hoạn ở một rạp xiếc tại Ba Lan đã giết 430 người. 28/7/1883, dư chấn từ núi lửa Epomeo, Ý phá hủy 1200 căn nhà và giết 2.000 người. 27/8/1883, núi lửa Krakatoa phát nổ, giết 40.000 người.
Đại Sao Chổi 1882, chụp từ Cape Town, Nam Phi
Cũng trong 2 năm 1882-1883, song song với những thương vong, chiến tranh và bạo loạn, con người cũng đạt được một số thành tựu làm thay đổi thế giới (tương ứng với Kim Ngưu/Xử Nữ - là cung Hoàng Đạo có Sao Chổi xuất hiện): 20/5/1882: Đức/Áo-Hungary/Pháp ký hiệp định Liên Minh Tay Ba, 6/6: bàn ủi điện được đăng ký bản quyền trí tuệ, 4/9: khu phố đầu tiên được thắp sáng bằng điện, 22/12: dây đèn Christmas đầu tiên được Thomas Edison phát minh, 24/3: cú điện thoại đầu tiên được thực hiện từ New York đến Chicago. 15/5/1883: Ý ký hiệp định hòa ước với Liên Minh Tay Ba, 27/5/1883: Nga Hoàng Alexander III lên ngôi, 1/8: dịch vụ bưu điện nội địa đầu tiên ở Anh, 21/9/1883: bức điện tín quốc tế trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Brazil, cùng nhiều công trình giao thông khác ...
Một số người sợ rằng sẽ có Sao Chổi đụng vào Trái Đất, gây ra những hậu quả hủy diệt, hoặc những khí ga trong Sao Chổi có thể gây nhiễm độc với sinh vật Trái Đất. Một số người khác tin rằng tận cùng thế giới này thế nào cũng sẽ đến khi có một Sao Chổi đụng độ với Trái Đất. Có người cho rằng sự sống trên Trái Đất này một phần chính là do Sao Chổi rơi vào Trái Đất, mang theo nước và những vật chất hữu cơ khác từ không gian từ hàng tỷ năm trước.
Cuộc sống trên Trái Đất có lẽ đã bắt nguồn từ Sao Chổi (?)
Chúng ta biết rất nhiều về tính chất vật lý và các thông tin thiên văn liên quan đến Sao Chổi, nhưng ít hiểu về ý nghĩa và triết lý của chúng trong Chiêm Tinh Học. Hầu hết mọi người chỉ nghĩ đến nó như một màn pháo hoa trên trời. Đối với một số người, Sao Chổi là sự sợ hãi và khủng bố. Đối với một số rất ít, Sao Chổi là những người truyền tin báo trước những thay đổi và sự kiện. Trong Chiêm Tinh Học, sự xuất hiện của Sao Chổi cho thấy sự BIẾN ĐỔI. Chúng như những "chim én trên trời" báo trước sự THAY ĐỔI trong cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp, trong đó có các quốc gia ở phạm vi vĩ mô. Với bản chất "khó lường" cùng với sự xuất hiện đột ngột và biến hóa vạn trạng của chúng trong thời gian rất ngắn, sự "thay đổi" báo hiệu bởi Sao Chổi dù tốt hay xấu cũng sẽ mang tính đột ngột, không ngờ trước.
Sao chổi có 3 loại khác nhau, tùy theo xuất xứ của chúng: khu vực Mộc Tinh, khu vực Vành Đai Kuiper (ngoài Hải Vương Tinh) và khu vực Tinh Vân Oort (bên ngoài Diêm Vương Tinh). Hầu hết các Sao Chổi trong loại thứ nhất - bắt nguồn từ khu vực Mộc Tinh - đều có xuất xứ từ hai khu vực kia, chịu sức hút của Mộc Tinh và trở thành những Sao Chổi có quỹ đạo ổn định và đều đặn giữa Mộc Tinh và Mặt Trời. Những Sao Chổi này mang đến những thông điệp "tái chế" và lập lại. Sao Chổi bay vào khu vực trung tâm của Thái Dương Hệ (Hệ Mặt Trời) là do những rối loạn về trọng lực (gravity) trong khu vực mà chúng xuất xứ, rồi đem theo một số năng lượng rối loạn tự nhiên này vào các hành tinh bên trong, trong đó có Trái Đất. Con người, thú vật và thời tiết cũng bị biến động. Sự biến động này được cảm thấy khi Sao Chổi bắt đầu xuất hiện và có thể thấy được bằng mắt thường, cho đến khi nó tiến đến điểm CẬN NHẬT (perihelion) - là vị trí mà Sao Chổi đến gần Mặt Trời nhất. Hình dạng xuất hiện của Sao Chổi cho thấy tính chất của những biến động này, cũng như dấu hiệu Hoàng Đạo mà Sao Chổi xuất hiện cho thấy biến động xảy ra ở đâu hoặc mặt nào trong cuộc sống.
Những Sao Chổi trở lại 200 năm hoặc ít hơn được xem là có "chu kỳ ngắn hạn" (tuần hoàn), thường bắt nguồn từ khu vực Mộc Tinh hoặc Vành Đai Kuiper, và các Sao Chổi lâu hơn 200 năm đến từ Tinh Vân Oort. Các Sao Chổi từ Tinh Vân Oort thường chứa đựng những vật chất nguyên thủy có từ lúc Hệ Mặt Trời hình thành và được phơi nhiễm ánh sáng và bức xạ trực tiếp từ các vì sao cố định. Có một sự trùng hợp đó là người Trung Hoa cũng đã chia Sao Chổi và các điềm gở đi kèm ra làm 3 loại thông điệp khác nhau:
- Những Sao Chổi đến từ Tinh Vân Oort mang đến các thông điệp, điềm báo và sắc lệnh từ các ngôi sao cố định, là những thứ bật chức vị quyền lực trong vương quốc trên trời theo chiêm tinh / thiên văn của người Trung Hoa (Tử Vi Viên). Những Sao Chổi này có chu kỳ hàng ngàn năm.
- Các Sao Chổi xuất xứ từ Vành Đai Kuiper có chu kỳ nhiều hơn 200 năm nhưng ít hơn 1000 năm mang đến thông điệp từ những hành tinh vô hình: Thiên Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune), Diêm Vương Tinh (Pluto) và cũng có một ít ảnh hưởng từ các sao cố định.
- Những Sao Chổi có chu kỳ tuần hoàn rất ngắn (dưới 200 năm) mang những thông điệp lập lại do Mộc Tinh bắt giữ, và có ảnh hưởng từ hệ Mộc Tinh (Jovian System) trong đó có các vệ tinh cùng với bất kỳ thông tin gì mà chúng đại diện.
Thông điệp sẽ không được truyền đến cho tới khi Sao Chổi đó tiến đến gần Mặt Trời nhất (điểm cận nhật) - là nơi mà thông điệp sẽ được chuyển tải vào Hệ Mặt Trời (tác động đến Trái Đất). Đối với thiên văn học hiện đại, Mặt Trời là tác giả và chủ thể của cả Hệ Mặt Trời, trong khi đối với truyền thống con người, nó là một vị Vua và người Chủ Quản. Những quy định mới được ban hành tại thời điểm cận nhật. Nói cách khác, điểm cận nhật là điểm nhạy cảm cần phải chú ý trong suốt quá trình di chuyển và ảnh hưởng của Sao Chổi.
Quy định và thông điệp đó làm thay đổi các tổ chức và bố trí đang có trong thương mại và chính trị, tạo ra các thế lực đồng minh mới và hình thành một sự sắp xếp cũng như các liên hệ mới. Ví dụ cách đây vài chục năm là Sao Chổi Kahoutek xuất hiện đồng lúc với sự hình thành của nhóm Tài Phiệt Xăng Dầu (Oil Cartel / OPEC) và những căng thẳng liên quan đến nhóm này. Sao Chổi Kahoutek đến điểm cận nhật vào tháng 12/1973 tại 27°42' Nhân Mã, tác động lên các tập đoàn lớn, nhất là kỹ nghệ ô tô và thương mại quốc tế - đều là những vấn đề vĩ mô do Nhân Mã làm chủ. Kahoutek đến từ Tinh Vân Oort và mặc dù nó không xuất hiện "hoành tráng", người ta có thể quan sát nó bằng mắt thường và nó có tác động lâu dài. Một phần tám (1/8) của một quỹ đạo to lớn là một thời gian rất dài.
Khi Sao Chổi đi đến điểm cận nhật gặp Mặt Trời hay Hỏa Tinh hội tụ, những hiệu ứng / ảnh hưởng gây ra sẽ bắt đầu chắc chắn, sắc lệnh được áp dụng và các sắp xếp sẽ thay đổi hoàn toàn.
Sao chổi báo hiệu sự thay đổi trong thương mại, tài chính và chính trị thường kèm theo một gián đoạn ban đầu trong hệ thống. Sau khởi động ban đầu đó (khi Mặt Trời hoặc Hỏa Tinh quá cảnh), kẻ thắng kẻ thua trở nên rõ ràng. Dù đã như vậy, các hiệu ứng tác động vẫn sẽ kéo dài nhiều năm hay nhiều thế kỷ từ thời điểm cận nhật nhạy cảm đó. Trong phương pháp Chiêm Tinh Dịch Biến ("xủ quẻ bằng chiêm tinh") hoặc một lá số / biểu đồ bẩm sinh, Sao Chổi báo hiệu những liên kết mới và gián đoạn trong cuộc sống để đem lại những cơ hội mới. Một số người sẽ hưởng lợi từ hiệu ứng này, một số sẽ kém may mắn hơn, và số khác sẽ không cảm thấy gì, tùy theo cung Nhà và chủ tinh cai quản cung Nhà mà Sao Chổi tác động lên.
Những nơi hay những tập đoàn được làm chủ bởi cung Hoàng Đạo có điểm cận nhật xảy ra sẽ thấy được hiệu ứng đầu tiên của Sao Chổi đó, và hiệu ứng này sẽ nhanh chóng tăng gấp nhiều lần. Ví dụ, Sao Chổi Kahoutek có điểm cận nhật trong Nhân Mã. Chile là nước có điểm Mọc (ascendant) thuộc 5° Nhân Mã, và chính phủ do dân bầu chọn đã bị đảo chánh, dẫn đến tổng thống nước này bị ám sát. Kỹ nghệ ô tô chịu tổn thất do thiếu hụt xăng dầu. Các thành viên của nhóm Tài Phiệt Xăng Dầu dẫn đầu bởi Saudi Arabia (một Xử Nữ với điểm Mọc trong Nhân Mã khác) đều hưởng lợi. Hiệu ứng của Sao Chổi Kahoutek không lâu sau đó lan rộng ra các nước thuộc nhóm Biến Đổi khác (Song Ngư, Song Tử và Xử Nữ) nói chung. Ở Việt Nam, Sao Chổi Kahoutek xảy ra sau hiệp định Paris khoảng 1 năm (nước Mỹ có điểm Mọc là Nhân Mã), báo hiệu cuộc nội chiến tiếp diễn sau đó đến ngày 30/4/1975 (miền Bắc Việt Nam thuộc tuổi Xử Nữ).
Người Hy Lạp tin rằng các điềm xui xẻo có thể tránh được. Trong một năm nếu có hội tụ xảy ra giữa Hỏa Tinh với các hành tinh xa hơn như Mộc Tinh, Thổ Tinh, Thiên Vương Tinh, Hải Vương Tinh và Diêm Vương Tinh, và Hỏa Tinh cũng là chủ tinh của điểm Mọc khi thời khắc giao mùa bắt đầu (Xuân Phân/Thu Phân, Hạ Chí/Đông Chí), thì sẽ có những điềm may mắn lấp lánh đến từ bầu trời. Tùy theo địa phương trên Trái Đất mà thời khắc giao mùa sẽ khác nhau, dẫn đến điểm Mọc của địa phương đó sẽ khác nhau.
Mưa sao băng Geminid
Sao băng (meteorite) chính là những Sao Chổi đã chết. Những mảnh vụn của chúng lang thang trong Hệ Mặt Trời và va chạm với bầu khí quyển của chúng ta, đem đến những trận mưa sao băng rất đẹp và thường không báo hiệu sự thiếu thốn hay náo loạn gì cho địa phương quan sát được chúng.
Tàn tích ngày nay của Nova Kepler
Các Nova hay "Supernova" (bùng nổ siêu sao) báo hiệu những ĐỘT PHÁ và đôi khi là sự biến đổi mẫu hình trên toàn cầu. Đối với một Nova, mỗi ngày thấy được bằng mắt thường tương ứng với một (1) năm có tác động của Nova đó. Điều này có nghĩa là các Nova của năm 1572 và 1604 (đều kéo dài gần 500 ngày) vẫn còn có hiệu lực cho đến ngày nay ! Kepler Nova trong năm 1572 báo hiệu sự chấm dứt của quan niệm thiên văn cổ Aristotle cũng như sự trỗi dậy của ngành khoa học và khám phá hiện đại.
Supernova 1987a (hình chụp từ Hubble)
Gần đây, Nova 1987a trùng hợp với sự sinh ra của internet và chấm dứt Chiến Tranh Lạnh. Cuối mùa hè năm 1975, một Nova đã được khám phá vào ngày 29/8 trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus) tại 7° Song Ngư. Ngày tiếp theo, Nova này đã lóe sáng rực rỡ và kéo dài 4 ngày. Bồ Đào Nha (Portugal) là một quốc gia Song Ngư (dựa theo ngày thành lập 1/3/1143). Cận nhật của Sao Chổi Kahoutek 1973 chạm vào Thiên Đỉnh (MC) trên lá số và Nova 1975 nằm ở gần điểm Mọc. Hậu quả là thời điểm đó, Bồ Đào Nha đã thua cuộc chiến tranh thuộc địa 10 năm ở châu Phi, và một cuộc cách mạng xã hội đã nổi lên. Dù là điểm cận nhật của Kahoutek xảy ra ở năm 1973, nhưng tác động của nó qua giá cả leo thang và sụt giảm hậu thuẫn từ nước ngoài cho cuộc chiến tranh, cũng như xáo động về chính trị nội bộ đã làm chính phủ sụp đổ và chấm dứt cuộc chiến đó. Cũng trong thời gian đó, nước Mỹ với điểm Mọc Song Tử (cùng với điểm Mọc Nhân Mã trong lá số của riêng bộ phận chính phủ năm đó) đã kết thúc cuộc chiến tranh 10 năm ở Việt Nam. Nova cũng liên quan đến nhiều vấn đề khác, nhưng điều cần lưu ý ở đây đó là một Sao Chổi có chu kỳ lâu năm cộng hưởng với năng lượng đột phá của Nova đã giúp chấm dứt những cuộc chiến tranh thuộc địa và hoàn toàn biến đổi cục diện và thế đứng về chính trị. Một điều lý thú khác đó là, chúng ta cũng có thể xem lại sự hội tụ của Mộc Tinh/Thổ Tinh vào năm 1960 ở cung Ngư Dương, cũng là lúc mà những quyết định lớn và chính sách quan trọng của những xung đột này đã khởi đầu.
* Tôi cũng đã có viết đến chu kỳ hội tụ 20-năm giữa Mộc Tinh và Thổ Tinh ở đây để các bạn tham khảo: cct.tips/3QPre
Những vấn đề mà tôi nói đến ở trên đều là những sự kiện và xu hướng ở tầm vĩ mô. Sở dĩ tôi nói đến vĩ mô là vì những ví dụ này dễ thấy và kiểm chứng tác động trong bất kỳ thời gian nào. Sự việc phát sinh do 2 hành tinh hội tụ, tiến triển bằng các góc chiếu rồi dẫn đến sự xuất hiện của một thế lực đối nghịch - phe phản diện, tiếp tục lại tương tác với nhau qua một loạt góc chiếu khác, để tạo thành một sự kiện tổng hợp mới khi hai hành tinh đó hội tụ lần nữa. Quá trình này dễ thấy ở mặt vĩ mô trong các tình hình kinh tế và chính trị, đánh dấu bằng chu kỳ trùng tụ của Mộc Tinh/Thổ Tinh. Để xem về thời tiết và một số vấn đề xã hội, chúng ta nhìn vào chu kỳ trùng tụ của Hải Vương Tinh/Thiên Vương Tinh. Những gì thuộc về tôn giáo và siêu nhiên, chúng ta có thể thấy qua chu kỳ trùng tụ của Hải Vương Tinh/Diêm Vương Tinh.
Còn nhiều chu kỳ khác mà tôi chưa thống kê ở đây, nhưng chúng ta có thể thấy rằng các chu kỳ trùng tụ chính là cột xương sống của chiêm tinh để xem các sự kiện vĩ mô và xã hội. Sao Chổi cho thấy sự thay đổi khi các sự kiện trùng tụ này thể hiện ra bằng cách xáo trộn sự liên hệ và kết nối bên trong chúng, và đôi khi thay đổi hướng đi cũng như trọng tâm của chúng. Trong các lá số/biểu đồ của từng cá nhân, Sao Chổi cũng có tác động tương tự, nhưng sẽ không thể hiện gì cả trừ khi nó hội tụ hay có góc chiếu vào một hành tinh/chủ tinh quan trọng nào đó, hoặc xuất hiện trong năm mà người đó sinh ra.
Tóm lại, dù có thể dự đoán ở một mức độ nào đó, chúng ta cần hiểu rằng Sao Chổi là những người truyền tin và cũng là những ngẫu nhiên của vũ trụ, giống như một sự thể hiện của Định Luật Bất Định Heisenberg trên bầu trời (trong thuyết lượng tử). Có những thứ chúng ta không thể biết gì về chúng cho đến khi chúng xuất hiện. Chúng ta cũng không biết khi nào hay liệu chúng có trở lại hay không (?). Chúng ta có thể theo dõi khi chúng xuất hiện trong một thời gian nào đó, nhưng không bao giờ chính xác rằng chúng SẼ ở đâu hay tiếp tục như thế nào.
D. HÀNH TRÌNH SẮP ĐẾN CỦA SAO CHỔI ISON
Trở lại đề tài ban đầu, Sao Chổi ISON sẽ đem tới sự gián đoạn và thay đổi, nhưng là một kiểu thay đổi mà bạn thật sự không thể kiểm soát. Nó sẽ cảm thấy như có gì đó sâu thẳm trong cuộc sống bạn đang rung chuyển và vỡ tan, nhưng bạn không cách nào biết rõ nó là cái gì. Điều quan trọng ở đây sẽ là một sự trải nghiệm nào đó hoàn toàn mới mẻ, và vì nó chưa từng bao giờ xảy ra, nên không thể dễ dàng nhận biết được cảm giác hay đoán được vấn đề gì sẽ xuất hiện.
Sơ đồ di chuyển của ISON
Một trong những thời gian quan trọng đó là khi Sao Chổi ISON lại gần Hỏa Tinh vào ngày 22/9/2013 và sẽ hội tụ chính xác với Hỏa Tinh (hành động) khoảng 10 ngày sau, ~ 2/10/2013 tại 21° Sư Tử. Tôi cho rằng một số tuổi Sư Tử sẽ cảm nhận được chấn động này, nhất là các bạn sinh vào khoảng từ ngày 8 đến 14/8. Hỏa Tinh là chủ tinh của tuổi Dương Cưu và cũng là "tân" chủ tinh của Bọ Cạp, cho nên các tuổi Hoàng Đạo hay người có điểm Mọc này cũng gặp chung ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là trong mặt thể hiện bản thân/con cái/tình yêu/sáng tạo (Dương Cưu) và sự nghiệp/địa vị/danh tiếng (Bọ Cạp). Những tuổi khác có cung Nhà nào thuộc khu vực Sư Tử cũng sẽ thấy ảnh hưởng ít nhiều về mặt cuộc sống tương ứng với cung Nhà đó.
Ngoài ra, Hỏa Tinh cũng tượng trưng cho chiến tranh, lại ở trong cung hành Hỏa Sư Tử thì sẽ trở nên "đắc địa": chủ quan, tự mãn, háo thắng, cứng đầu, phô trương (Sư Tử). Sư Tử tam hợp với Dương Cưu - là nơi đang có Thiên Vương Tinh (bất ngờ, bạo loạn, cách mạng, bốc đồng). Các nước Bắc Phi như Syria, Algeria, Morocco và Libya là những nơi do Bọ Cạp (với hành tinh cai quản là Hỏa Tinh) làm chủ. Ở phương diện vĩ mô, tôi cho rằng đây là thời gian sẽ có một cuộc chiến tranh đầy tính "ngoạn mục" và bất ngờ ở khu vực này.
Sao chổi ISON trên bầu trời của Hỏa Tinh trong tháng 10/2013 - theo giả lập của NASA
Sau đó, một sự kiện quan trọng khác đó là ISON sẽ trùng tụ với Thổ Tinh và Sao Chổi Encke trong khoảng 14°-18° Bọ Cạp trong hai ngày 24 và 25/11. Bọ Cạp là một trong những cung "vượng địa" (tốt nhất) của Thổ Tinh. Thổ Tinh chủ về "cấu trúc", "trách nhiệm", "quá khứ" và "nghiệp chướng". Suy ra, sự trùng tụ của 2 Sao Chổi cùng một lúc với Thổ Tinh cho thấy có một sự biến đổi toàn diện nào đó trong những vấn đề vừa nêu trên: của bản thân, của cuộc sống, của gia đình, của bạn bè, của quan hệ tình cảm, của xã hội v.v... tùy theo Bọ Cạp thuộc cung Nhà nào trong lá số / biểu đồ của bạn. Một ví dụ mà chúng ta có thể suy nghĩ đến: "trách nhiệm với nghiệp chướng từ quá khứ". Ngoài ra, các bạn thuộc tuổi Bọ Cạp có ngày sinh vào khoảng tuần thứ 2 của tháng 11 cũng sẽ cảm nhận được thay đổi này sâu sắc nhất.
Sự kiện cận nhật của Sao Chổi ISON vào ngày 29/11/2013 xảy ra tại 7° Nhân Mã. Các tuổi Nhân Mã sinh vào gần cuối tháng 11 sẽ cảm nhận năng lượng biến đổi này rõ ràng nhất. "7° Nhân Mã" cũng sẽ trở thành điểm nhạy cảm nhất trên lá số của mọi tuổi Hoàng Đạo, tác động tùy theo cung Nhà tương ứng. Nhân Mã cũng là cung hành Hỏa, có Mặt Trời (chủ tinh của Sư Tử) tam hợp với Thiên Vương Tinh trong Dương Cưu (hành Hỏa) nhấn mạnh thêm chủ đề "chiến tranh" và những vấn đề do Nhân Mã làm chủ (ngoại thương, du lịch, đi xa, học hành, giáo dục, luật pháp, tôn giáo). Vì độ sáng thấy được bằng mắt thường của ISON là khoảng 2 tháng (60 ngày), tác động của ISON sẽ có hiệu lực trong thời gian 60 tháng sắp tới (5 năm). Tuy nhiên vì ISON sẽ bay khá sát với Mặt Trời và nếu bị Mặt Trời thiêu hủy ở điểm cận nhật, tác động của ISON sẽ ngắn hơn 50% dự đoán nhưng mãnh liệt hơn.
E. LỊCH SỬ CÁC SAO CHỔI KHÁC TRƯỚC ISON
Để giúp bạn tham khảo thêm, tôi xin nói thêm về một số Sao Chổi nổi tiếng trong lịch sử:
SAO CHỔI ENCKE (2P/ENCKE)
Được lưu ý bởi nhà thiên văn người Pháp Pierre Méchain vào năm 1786, nhưng người tìm ra quỹ đạo là nhà thiên văn người Đức Johann Franz Encke vào năm 1819. Chữ "P" trong tên chính thức của Sao Chổi Encke viết tắt của chữ "periodic", cho thấy đây là một Sao Chổi tuần hoàn, và Encke có chu kỳ ngắn nhất (3 năm 4 tháng) mà con người từng biết đến. Số "2" nghĩa là Sao Chổi Encke là sao chổi thứ nhì được khám phá (sau Sao Chổi Halley). Đây là một sao chổi ngắn hạn thuộc hệ Mặt Trời/Mộc Tinh.
Vì tính chất thường xuyên bị vỡ của nó, Sao Chổi Encke có quỹ đạo thất thường. Sao Chổi Encke được cho là nguyên nhân gây ra trận mưa sao băng hàng năm Beta Taurid (trong chòm sao Kim Ngưu), và một mảnh vỡ của Encke có lẽ là nguyên nhân vụ rơi và nổ thiên thạch Tunguska năm 1908 với sức mạnh 1.000 lần bom nguyên tử ở Hiroshima.
SAO CHỔI HALLEY
Đây là một Sao Chổi nổi tiếng nhất cư ngụ trong Hệ Mặt Trời. Được tìm ra và đặt tên bởi nhà chiêm tinh/thiên văn Edmund Halley ở thế kỷ thứ 17 - là người đầu tiên chú ý đến quỹ đạo 76-năm đều đặn của nó, và cũng là người đầu tiên nhận ra được sự xuất hiện của một Sao Chổi không lâu trước cuộc xâm lược Norman ở Anh Quốc, khi vua William Đệ Nhất, mệnh danh là "Nhà Chinh Phạt", đã soán ngôi và giết vua Harold II - là vị vua cuối cùng thuộc dòng giống Anglo-Saxo của nước Anh, và đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới.
Vào năm 1835, Sao Chổi Halley đã xuất hiện khi nhà văn Mark Twain sinh ra. Ông cũng là một nhà chiêm tinh tài giỏi, và đã tự tiên đoán (1909) đúng về cái chết của mình khi Sao Chổi Halley trở lại vào năm 1910. Sao Chổi Halley đã xuất hiện lần cuối vào năm 1986 và sẽ xuất hiện trở lại vào năm 2062.
Trong Chiêm Tinh Học, Sao Chổi Halley báo hiệu sự tập trung cao độ, sự ám ảnh, cường độ, sự thành đạt về tri thức, được mọi người chú ý đến. Nó cũng có thể là sự nổi tiếng, mặc dù không nhất thiết là như vậy, và cho dù nó báo hiệu sự nổi tiếng đi nữa, đó có lẽ là loại "nổi tiếng 15 phút" / trong chốc lát. Sao Chổi Halley dành phần lớn quỹ đạo trong 2 cung Cự Giải và Sư Tử. Ai trên thế giới cũng có Sao Chổi Halley trong khu vực này, ngoại trừ một số người được sinh ra trong khoảng thời gian nó tiến gần đến Mặt Trời và Trái Đất.
SAO CHỔI AREND-ROLAND (C/1956 R1)
Được khám phá bởi hai nhà thiên văn người Bỉ, Sylvain Arend và Georges Roland tại Đài Thiên Văn Hoàng Gia ở Uccle, Bỉ vào ngày 8/11/1956. Nó đạt được độ sáng +1 trong mùa xuân 1957, đến điểm cận nhật vào ngày 8/4/1957 ở 6°57' Dương Cưu.
Điểm cận nhật này có vẻ có ảnh hưởng không may mắn, ví dụ như rơi vào một cái hố và bạn phải tự leo ra, dựa theo tính chất của các hành tinh nào hội tụ hoặc tạo góc chiếu với nó trên lá số/biểu đồ bẩm sinh.
SAO CHỔI IKEYA-SEKI (C/1965 S1)
Đạt điểm cận nhật vào ngày 21/10/1965 ở 27°52' Thiên Xứng, và đặt tên theo 2 người Nhật khám phá, Kaoru Ikeya và Tsutomu Seki khi quan sát khu vực gần sao Alphard trong chòm sao Trường Xà (Hydra) vào ngày 18/9/1965. Sao Chổi này có chu kỳ là 880 năm và người ta nghi ngờ rằng nó có lẽ chính là Đại Sao Chổi của năm 1106 hoặc cùng họ hàng với Đại Sao Chổi đó. Nó có độ sáng tối đa khoảng -10 hay -11, tương đương với Trăng Rằm.
Ở điểm cận nhật, Sao Chổi Ikeya-Seki đã tách ra làm đôi (có người thấy 3 mảnh), và những mảnh này (được đặt tên là Ikeya-Seki A và Ikeya-Seki B) song song tiếp tục cuộc hành trình rời xa Mặt Trời về khu vực nguyên thủy của nó với quỹ đạo gần như giống nhau. Ý nghĩa của Sao Chổi Ikeya-Seki bắt nguồn từ sự việc này cùng với Thiên Xứng - là dấu hiệu cận nhật của nó. Ikeya-Seki tượng trưng cho xung đột, phân cực, gây tranh cãi, níu kéo về hướng giải quyết xung đột, thái độ về cuộc cách mạng xã hội của thập kỷ 1960, cùng với cả thế giới hướng về Châu Á: con người, văn hóa và triết lý (Lý Tiểu Long, Chiến Tranh Việt Nam, Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc v.v...).
SAO CHỔI BENNET (C/1969 Y1)
Được khám phá vào ngày 28/12/1969 do nhà thiên văn nghiệp dư người Nam Phi John Caister Bennet, và đạt đến điểm cận nhật vào ngày 20/3/1970 khi Mặt Trời đang ở 29°17' Song Ngư với độ sáng đạt được +1 hoặc +2. Nó có chu kỳ khoảng 1700 năm.
Từ khóa nói về ảnh hưởng của Sao Chổi Bennet đó là: sự hủy họa, tàn lụi, ô uế, băng hoại, khô héo, đau khổ, đứt đoạn. Nó cũng có thể đem đến một sự kết thúc cho cái gì đó không mong muốn; vì thế, đừng sợ nếu bạn có nó trong lá số. Có những mức độ ảnh hưởng và những chuyện khủng khiếp bình thường không xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống của một con người.
SAO CHỔI KOHOUTEK (C/1973 E1)
Một ngôi Sao Chổi nổi tiếng khác sau Sao Chổi Halley, xuất hiện vào cuối năm 1973 và đầu năm 1974, đạt được cận nhật tại 6° Ngư Dương vào ngày 26/12/1973. Được khám phá bởi nhà thiên văn Tiệp Khắc Lobos Kohoutek.
Mặc dù đã được cảnh báo bởi các nhà thiên văn học, giới truyền thông đã "tiên đoán" một cách ngu xuẩn rằng đây sẽ là một cảnh tượng sáng chói kinh ngạc, đến nỗi các công ty đã có những chuyến "du lịch để ngắm sao chổi Kohoutek", "Festival Âm Nhạc Vì Kohoutek" ... cùng nhiều hoạt động văn hóa liên quan khác. Rốt cuộc, Sao Chổi Kohoutek xuất hiện mờ nhạt khi thấy bằng mắt thường. Với độ sáng xấp xỉ Kim Tinh khi nằm xa bên kia Mặt Trời (-3), đây là độ sáng rất "bình thường" như nhiều tinh tú hàng ngày, huống gì đến chuyện "chói lóa" !
Trong Chiêm Tinh Học, Sao Chổi Kohoutek có những ảnh hưởng bắt nguồn từ: 1) sự thất vọng lớn mà nó mang lại cho loài người mong chờ, 2) sự liên hệ giữa các sao chổi và chữ "biến đổi" trong chiêm tinh học, và 3) dấu hiệu Ngư Dương tại điểm cận nhật, tượng trưng cho cấu trúc tập trung chung. Nó báo hiệu sự nổi loạn, tạo khác biệt, không hòa đồng, chống trả và thái độ cách ly xã hội. Nó cũng liên quan đến tội phạm trẻ tuổi, và nhiều người sinh vào thời điểm Sao Chổi Kohoutek xuất hiện thể hiện xu hướng tội phạm. Cũng đừng quá lo sợ hay mắc cười nếu bạn hay người thân quen nào đó có Sao Chổi Kohoutek trong vị trí này, vì nó có thể thể hiện khác nhau trong những trường hợp này.
SAO CHỔI WEST (C/1975 V1)
Sao Chổi West đạt điểm cận nhật tại 5°40' Song Ngư vào ngày 25/2/1976 do nhà thiên văn người Đan Mạch Richard West khám phá tại Đài Thiên Văn Bắc Âu ở Geneva, Thụy Sĩ khi xem lại những tấm phim về khu vực chòm sao Kính Hiển Vi (Microscopium) đã chụp tại Đài Thiên Văn Nam Âu trước đó ở Cerro Tololos, Chile vào ngày 10/8/1975.
Với chu kỳ ước lượng ít nhất là 254.000 năm hoặc nhiều hơn nữa, chỉ có hậu duệ "chi chi chít chít" của chúng ta mới được thấy lại nó. Mặc dù Sao Chổi West đã xuất hiện đúng như dự đoán (-3), nó có độ sáng ngang với Kim Tinh, và khá sáng - gần như đạt được danh hiệu "Đại Sao Chổi của năm 1976", nhưng vì thế giới lúc đó đã quá mệt mỏi sau lần tiên đoán hụt về Sao Chổi Kohoutek, nên phương tiện truyền thông thời ấy đã không nói nhiều về Sao Chổi West. Vào ngày 7/3/1976, báo cáo cho thấy Sao Chổi West đã vỡ ra làm 2 mảnh. Sau đó vào ngày 18/3/1976, nhà thiên văn Steven O'Meara phát hiện thêm 2 mảnh nữa (tổng cộng là 4 mảnh).
Ảnh hưởng của Sao Chổi West có thể mô tả như sau: làm kém không như mong đợi, tồi tàn, thất bại, liên quan đến ngoài rìa, bị xem là kẻ thua cuộc, bị thiệt thòi như thế nào đó -- đây là những tính chất xã hội của thập kỷ 1970, một thời gian đầy những tai họa, khủng hoảng và lầm lạc khi con người bỗng dưng bỏ đi nhiều giá trị tham vọng của thời những năm 1960.
SAO CHỔI HYAKUTAKE (C/1996 B2)
Được phát hiện ra vào ngày 30/1/1996 bởi nhà thiên văn học nghiệp dư Yuji Hyakutake ở miền Nam Nhật Bản. Sao Chổi Hyakutake cận nhật vào ngày 1/5/1996 tại 11°26' Kim Ngưu và đạt được độ sáng tối đa là +0. Trước khi vào Hệ Mặt Trời, Sao Chổi Hyakutake có chu kỳ là 8.000 năm, nhưng vì bị xáo động bởi trọng lực của Mặt Trời, chu kỳ này đã thay đổi và trở thành hơn 14.000 năm.
Từ khóa cho Sao Chổi Hyakutake đó là sự ăn năn và tỉnh ngộ về tri thức.
SAO CHỔI HALE-BOPP (C/1995 O1)
Sao Chổi Hale-Bopp là một trong những sự kiện lớn nhất của năm 1997, do 2 người Mỹ, Alan Hale - một nhà thiên văn chuyên nghiệp bị thất nghiệp và chuyển nghề thành một kiểm lâm, và ông Thomas Bopp, một nhà thiên văn nghiệp dư và buôn bán vật liệu xây dựng, phát hiện vào ngày 23/7/1995.
Mặc dù trở thành một cảnh tượng tuyệt đẹp trên bầu trời đêm của năm 1997, Sao Chổi Hale-Bopp càng "nổi tiếng" hơn khi nó liên quan đến nhóm tà giáo "Cổng Thiên Đường" của Marshall Applewhite và vụ tự tử tập thể của nhóm này vào ngày 26/3 cùng năm. Họ tin rằng họ sẽ được chuyển lên một UFO (phi thuyền của người hành tinh) để lên thiên đàng khi sao chổi xuất hiện. Trước khi tự tử, 39 thành viên trong nhóm tà giáo này đều là những người thiết kế trang mạng thành công. Ông Bopp cũng mất vài người bà con và bạn bè trong một vụ đụng xe tại tiểu bang Arizona khi họ trên đường để đến xem Sao Chổi mà ông đã cùng phát hiện ra. Trong khi đó, sự nghiệp thiên văn của ông Hale lại được thăng tiến do công lao của mình, và được cho phép phát biểu để nói lên những than phiền của mình về sự trì trệ khi sử dụng tiền công quỹ vào khoa học và ngành thiên văn nói riêng.
Vì thế, có lẽ đây là xuất xứ ý nghĩa của Sao Chổi Hale-Bopp: sự cổ động, đảo chiều, xoay chuyển (tình hình) và biến đổi.
SAO CHỔI MCNAUGHT (C/2006 P1)
Sao Chổi McNaught là Đại Sao Chổi đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ (1000 năm) thứ 3 Sau Công Nguyên. Là một sao chổi không có chu kỳ, nó là một trong nhiều sao chổi được phát hiện bởi nhà thiên văn người Úc gốc Anh, Robert H. McNaught, và được gọi là Đại Sao Chổi của năm 2007 bởi Space.com.
Sao Chổi McNaught được phát hiện vào ngày 7/8/2006 trong chòm sao Tiều Phu (Ophiuchus) và phần lớn được quan sát bằng mắt thường ở khu vực Nam Bán Cầu (phía dưới đường xích đạo) trong hai tháng đầu tiên của năm 2007, đạt điểm cận nhật vào ngày 12/1/2007 tại 21°54' Ngư Dương.
Trong Chiêm Tinh Học, nó liên quan đến việc tình cờ có mặt đúng nơi đúng lúc hoặc sai nơi sai lúc để có thể trải nghiệm điều gì đó.
[CCT]
* Phiên bản 2.1.0, xuất bản lần đầu ngày 5/9/2013, cập nhật lần 5 ngày 8/2/2023 bởi Chòi Chiêm Tinh, (www.facebook.com/choichiemtinh)
GPL: Bạn có thể share và được quyền sao chép nội dung trang này nhưng nhớ để tên tác giả và link về trang Chòi Chiêm Tinh. Chân thành cám ơn!
* Link về bài viết này: cct.tips/ison0, hoặc cct.tips/cth116001 hay cct.tips/saochoi
* Các bài viết và status cập nhật liên quan sao chổi ISON: cct.tips/ison1, cct.tips/ison2, cct.tips/ison3, cct.tips/ison4
* Xem thêm:
- Tình hình bầu trời "LIVE" ngay bây giờ: cct.tips/baygio
- Chiêm Tinh Học 101 (kiến thức vỡ lòng): cct.tips/101
- "Tên gọi đúng của 12 dấu hiệu Hoàng Đạo": cct.tips/12
- Tự lập lá số và tìm điểm Mọc bằng công cụ online của Chòi Chiêm Tinh: cct.tips/laplaso
- Mục lục các bài viết của CCT: cct.tips/mucluc