HỎI: Vợ chồng cháu lấy nhau được 2 năm và hiện vợ cháu đã có thai được 5 tháng. Chúng cháu đang phân vân giữa việc nên "sinh đẻ" hay "sinh mổ". Nếu là "sinh mổ", liệu chúng cháu có thể chọn ngày giờ sinh để số mạng của con chúng cháu sau này sẽ tốt hơn không thưa bác ?
CCT: Câu trả lời ngắn gọn nhất cho bạn đó là: "sinh mổ" hay "sinh đẻ" chẳng sao cả, nhưng cũng chẳng có bằng chứng nào cho thấy việc "sinh mổ" theo "thiết kế" của cha mẹ sẽ "tốt hơn" việc "sinh đẻ" tự nhiên. Thậm chí, nghiên cứu của một số chiêm tinh gia còn cho rằng việc "sinh mổ" theo ý muốn của cha mẹ sẽ đi ngược với "mục đích đầu thai" và CẢN TRỞ sự phát huy tiềm năng thật sự của linh hồn trong hình hài của em bé được sinh ra đó, thay vì "giúp ích có lợi" cho cuộc đời của cháu bé.
Cho câu trả lời dài hơn, có 3 vấn đề chính mà tôi muốn nói ở đây về chuyện "thiết kế giờ sinh" cho một em bé:
1) Thứ nhất, "sinh con" vốn là cái "duyên" lẫn "nghiệp" (karma) của cha mẹ và cả người con được sinh ra. Chúng ta cần phải nhận thức và hiểu rõ điều kiện căn bản này trước khi có thể nói đến những chuyện khác. Nói cách khác, thông thường thì đầu tiên người cha và người mẹ phải sống đến một "vận hạn" nào đó và có một cái "duyên" rồi "định mệnh" để gặp nhau, dù đó là một quá trình "thích nhau" và "quyết định" một cách "tự nhiên" hay đến với nhau vì "cưỡng ép". Kế tiếp đó là hai người có điều kiện để giao hợp, rồi cả hai cũng đủ điều kiện sức khỏe để có thể "thụ thai" và cuối cùng là sinh ra đứa bé đó sau một hành trình dài nhiều tháng.
Có câu nói: "Con người sinh ra từ 'cát bụi', và khi chết cũng trở về với 'cát bụi' ..." Bản thân tôi rất thấm thía điều này, vì trong lý thuyết của chiêm tinh học, sự hình thành của con người từ hình dạng của một "linh hồn" / "năng lượng" (soul / energy) lang thang trong vũ trụ kết hợp với các phân tử, nguyên tố hóa học và các quá trình sinh học trong cơ thể người cha và mẹ để trở thành "vật chất" / "hình thể" (material / body) dưới sự tác động vô hình của các thiên thể tuần hoàn trên bầu trời.
2) Vấn đề thứ hai đó là: bạn không thể nào kiểm soát 100% quá trình ra đời của một em bé ! Có quá nhiều biến số BÍ ẨN ảnh hưởng đến sự ra đời của một con người hay em bé và không ai có thể "chọn" được "lá số" của mình.
* Sai lầm về văn hóa, tư duy:
Người Việt Nam hay dựa vào 12 con Giáp để chọn năm sinh con. Đây là những tư tưởng "hủ lậu" còn sót lại từ thời chính sách "ngu dân" của Khổng Tử và văn hóa du nhập của người Trung Quốc vào Việt Nam. Người theo thuyết Khổng Tử cho rằng được ngồi một chỗ vuốt râu, "ăn bát vàng", uống rượu, ngắm cảnh ở đâu đó như mấy ông tiên già ngày xưa thì cuộc đời mới là "tốt" là "sướng", trong khi việc "bôn ba", "chạy ngược, chạy xuôi" thì mới là "cực" và "khổ". Họ quên rằng, "bôn ba" ngày nay không phải là vất vả trên lưng lừa trên núi hay lưng ngựa giữa đồng cỏ nắng nôi như ngày xưa nữa mà là được ngồi trên ghế nệm êm ái của xe Honda 2 bánh, xe taxi hay xe bus có gắn máy lạnh chạy phà phà trên những con đường nhựa bon bon, hay xa hơn nữa là có xe lửa, tàu điện ngầm và máy bay. Đó là chưa kể đến tiện ích khi được lướt web bằng sóng "Wifi" và "3G" trên iPad/smartphone trong khi di chuyển !
Phần lớn, ai cũng cho rằng "Trai Nhâm Gái Quý" mới là tốt, hoặc lựa những năm "Giáp, Ất" do đọc từ mấy bài báo "chém gió" và "phán bừa phán bãi" nào đó để rầm rập rủ nhau "có thai" và đẻ vào đúng cái năm "hên" đó để "xin một chiếc vé hên của thời vận". Tôi cho rằng những lối suy nghĩ này rất lệch lạc, ấu trĩ và thậm chí là "kỳ thị" và "ích kỷ" rất độc ác của con người. Hệ thống 12 con Giáp là có thật, nhưng đã bị hiểu sai và lạm dụng một cách "mê tín" và "bệnh hoạn" ! Ngoài ra, hệ thống chiêm tinh của Trung Quốc ngày xưa chỉ được dùng để phục vụ cho vua chúa và quan lại nên mọi ngôn ngữ và triết lý đều xoay quanh các "vấn đề của vua", của "Thiên Tử độc tôn", chứ không phải cho đa số người dân bình thường, nên mới phát sinh ra những "ngộ nhận" và "ứng dụng" sai lầm trong việc "sinh con theo con giáp" khi ai cũng muốn "lợi lộc" nhiều nhất về phần mình.
Hãy nhớ rằng, mỗi con người sinh ra đều có mục đích và vị trí quan trọng như nhau, dù là ở thời điểm nào. Nếu ai cũng là "vua", "tổng thống", "chủ tập đoàn", "ông nghè bà tổng" v.v... thì ai sẽ đi hốt dọn cái đống rác thối ngay trước nhà bạn mỗi ngày ? Ai sẽ là người giúp việc trông con cho bạn khi bạn đi vắng ? Ai sẽ là người nông dân trồng lúa cho bạn có cơm ăn ? Ai sẽ là thợ sửa xe khi xe bạn bị hư ? Ai sẽ là anh thợ điện sửa chữa, bảo trì lưới điện cho khu vực bạn ở ? Ai sẽ là người lính bảo vệ an ninh tổ quốc cho gia đình bạn được sống yên ổn ? v.v... Như vậy, em bé sinh vào Nhâm Dần, Quý Mão hay cho đến Mậu Tý, Kỷ Hợi đều có cơ may để làm nên một cuộc đời hạnh phúc, và "hạnh phúc" thật ra không nhất thiết là phải "giàu có" mà đến từ sự sung mãn "đủ ăn, đủ mặc" từ chính sức lao động của mình.
* Chuyện thụ thai:
Các môn lý số như tử vi và chiêm tinh học cho thấy trước thời gian và "xác suất" mà cha mẹ đó sẽ "thành công" trong việc "có con". Nói cách khác, bản chất của việc "thụ thai" vốn đã là một quá trình "tự nhiên" theo "vận hạn" của cha mẹ đó, dù việc "thụ thai" có đến từ hoạt động "giao hợp" hay "thụ tinh nhân tạo" trong ống nghiệm. Nếu lá số nói "có con" mà cha mẹ quyết định "tịt ngòi" (đi cắt ống dẫn trứng hay tinh trùng) thì "ông Trời cũng chịu thua".
Ngoài chuyện sinh hoạt tình dục mang tính "ngẫu nhiên" và "tùy hứng" của cha mẹ ra, không ai biết được chính xác thời gian nào là "đậu thai" (khi tinh trùng của người cha bơi đến và "gặp gỡ" với trứng của người mẹ), mà chỉ là "phỏng chừng" dựa theo chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ khi "thử que" và phát hiện là người mẹ "có bầu". Cũng chẳng ai ghi nhận hay biết được giờ giấc chính xác khi "tinh trùng gặp trứng" trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Nếu trong môn Chu Dịch Học có đề cập đến vấn đề đi tìm "thai nguyên" để luận đoán "bát tự" trong ngày sinh của một con người, thì trong Chiêm Tinh Học cũng có xét đến vấn đề tương tự như "thai nguyên", tức là tìm bối cảnh "thụ thai" hay "tiền sinh" (pre-natal) khi quan sát tổng quát cuộc đời của một lá số.
Trong thực tế, hầu hết các cha mẹ loay hoay với chuyện "thụ thai" trước khi bắt đầu nhận thức rằng "mình đã có em bé". Khi cái thai đã lớn lên một thời gian thì cha mẹ mới lên kế hoạch để "sinh đẻ" hay "sinh mổ". Như vậy, số mệnh đứa bé đã được định đoạt ngay từ lúc "thụ thai", chứ không phải khi cha mẹ muốn "sinh mổ" theo đúng giờ nào đó, vì với thông tin "thụ thai", "năm sinh" và "tháng sinh" của đứa bé đã được định đoạt. Về chiêm tinh học, có ít nhất 50% thông tin về lá số em bé đã được "biết trước" từ 5 trong 10 hành tinh chính - đó là những hành tinh vòng ngoài như: Diêm Vương Tinh, Hải Vương Tinh, Thiên Vương Tinh, Thổ Tinh và Mộc Tinh.
Thu hẹp lại đến phạm vi "tháng", ta có thêm 30% thông tin nữa cho lá số của em bé đó: Mặt Trời, Hỏa Tinh và Kim Tinh. Xuống đến "tuần" trong "tháng" đó, ta biết chắc chắn thông tin về Thủy Tinh của cháu bé. "Siết" lại thành "ngày", một loạt thông tin khác xuất hiện khi vị trí Mặt Trăng bắt đầu hình thành trên lá số. Nếu chọn đến "giờ" và "phút", thông tin "điểm Mọc" của đứa bé sẽ được hình thành ...
Như vậy, dù các cha mẹ nghĩ rằng mình có thể "siêu" hơn "ông Trời" khi chọn ngày "sinh mổ" cho em bé, tôi cho rằng các vị ấy đang HOANG TƯỞNG, vì phần lớn lá số đã được hình thành ngay từ lúc người mẹ biết mình đã "có thai".
* Chuyện "chọn giờ sinh" - có thật sự là chọn được hay không ?
Một "ảo tưởng" sai lầm khác mà nhiều cha mẹ mắc phải khi "chọn giờ sinh" cho cháu bé đó là khi cha mẹ thảo luận với bác sĩ về việc "chọn ngày giờ" để "sinh mổ" thì thật ra, "giờ sinh" của cháu bé KHÔNG CÒN do cha mẹ "định đoạt" nữa, mà là do LỊCH TRÌNH LÀM VIỆC CỦA TẬP THỂ BÁC SĨ VÀ Y TÁ !
Ví dụ, cha mẹ nhờ tôi xem giờ tốt để "sinh mổ" và tôi thấy rằng giờ sinh tốt cho ngày đó hay lá số đó là chính xác 2h18' sáng, nhưng phòng mổ đẻ trong bệnh viện chỉ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều thì cha mẹ chẳng có sự chọn lựa nào khác ngoài việc cho con mình ra đời "trong giờ hành chính". Chưa kể dù "bà bầu" đã nằm chờ sẵn trong bệnh viện nhưng có khi bác sĩ bị "kín lịch" thì cũng phải chọn qua ngày khác. Ngay cả việc "chọn giờ" mà lỡ bác sĩ bị "kẹt xe" tới không kịp thì cũng sẽ bị trễ. Nếu trên đường để đến bệnh viện "sinh mổ" mà "bà bầu" bị anh công an thổi lại hỏi giấy tờ, hoặc bể bánh xe, thì cũng bị trễ giờ sinh. Như vậy "định mệnh" và sự ra đời của cháu bé đã do người khác tác động: đó là cuộc đời và quyết định của bác sĩ và y tá trong bệnh viện, anh công an, anh sửa xe hay tài xế xe ôm / taxi v.v...
3) Sức khỏe / Y tế:
Phong trào "sinh mổ" đang càng ngày càng trở nên đáng "báo động". Tại sao người ta lại muốn "sinh mổ" thay vì "sinh đẻ" ? Vấn đề xã hội này đến từ 2 phía. Các bác sĩ vô lương tâm thường cố ý "hù dọa" và khuyến khích các bà mẹ "sinh mổ" chỉ vì 2 lý do chính: thứ nhất là muốn kiếm tiền nhiều hơn từ các ca phẫu thuật so với các ca sinh tự nhiên, và thứ nhì là để tránh những phiền phức + tốn thời gian chăm sóc bệnh nhân và kiện tụng có thể xảy với việc bệnh nhân "sinh đẻ". Nhiều bác sĩ có lương tâm hơn sẽ khuyến khích các bà mẹ "sinh đẻ", nhưng đồng thời cũng có sẵn phương án để "sinh mổ" nếu quá trình "sinh đẻ" phát sinh vấn đề vào giờ chót.
Các bà mẹ muốn "sinh mổ" cũng vì 2 lý do chính: "sợ đau" và "sợ xấu" khi "sinh đẻ". Thật ra, đây là những quan niệm hết sức ấu trĩ do các bà mẹ BỊ THIẾU KIẾN THỨC về quá trình sinh sản của phụ nữ. Nếu là "sợ xấu" thì các bà mẹ ấy nên biết rằng dịch vụ phẫu thuật "làm đẹp" vùng kín đã có từ lâu ! Nếu là "sợ đau" thì các bà mẹ nên biết rằng khi đau đẻ tự nhiên, cơ thể của người mẹ tự động tiết ra 4 chất hormone (hóc-môn / nội tiết tố) đặc biệt để hỗ trợ cho các bà mẹ khi sinh con, trong đó có "oxytocin", "catecholamine" và "beta-endorphin".
Khi giao hợp, oxytocin tạo ra các rung động "khoái lạc" cho người phụ nữ, nhưng trong sinh đẻ, hormone này có tác dụng kích thích tử cung co bóp để đẩy thai nhi ra khỏi bụng người mẹ, cùng với nước ối và nhau thai sau đó. Về tác động tâm lý, oxytocin làm cho người mẹ có tinh thần "tận tụy hy sinh vì người khác", "quên đi chính mình" và cảm xúc dâng trào "yêu thương" đối với em bé.
Hormone thứ 2, catecholamine (đọc là "ca-tê-kô-a-min") trong đó có "adrenaline", chính là "thuốc tăng lực/giảm stress tự nhiên" của cơ thể người mẹ. Chất hormone này làm tăng tinh thần "dũng cảm" và "chiến đấu" của người mẹ và có tác dụng điều tiết oxytocin nếu chất này vọt lên mức quá cao gây đau đớn cho người mẹ trong quá trình sinh sản. Hiệu ứng của catecholamine khi tăng cao làm cho người mẹ có thể trở nên rất nóng nảy, bị khô miệng, run rẩy, chóng mặt, đồng tử mắt giãn to nhưng lại có một sức mạnh phi thường một cách bất ngờ ! Catecholamine cũng còn là một "công tắc" để tắt đi hệ thống miễn nhiễm của người mẹ, đề phòng trường hợp hệ thống này hoạt động "không đúng lúc" trong quá trình sinh sản.
Catecholamine sẽ lên mức cao nhất khi thai nhi chui qua khu vực xương chậu của người mẹ. Ở giai đoạn cao điểm này, chất hormone thứ 3 là beta-endorphin sẽ đóng vai trò "thuốc giảm đau" cho người mẹ và có thể làm người mẹ có cảm giác "xuất hồn" trong quá trình sinh con khi không có thuốc bác sĩ hỗ trợ. Nếu người mẹ cảm thấy "quá đau", beta-endorphin cũng có thể làm chậm lại quá trình "sinh đẻ" bằng cách giảm đi lượng oxytocin trong máu, và vì thế bớt đi hoạt động co giãn của tử cung. Beta-endorphin cũng giúp người mẹ gắn bó hơn với em bé, và "khai mở" khu vực học hỏi và trí nhớ trong bộ não của người mẹ, và đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ bỗng có khả năng nhớ rõ chi tiết nhiều chuyện trong quá khứ.
Sự gia tăng của beta-endorphin cũng kích thoạt một chất hormone thứ 4 gọi là "prolactin". Prolactin giúp người mẹ chuẩn bị tiết sữa để khi em bé sinh ra sẽ có sữa sẵn sàng để bắt đầu bú. Prolactin cũng giúp hoàn chỉnh giai đoạn phát triển cuối cùng của 2 lá phổi trong cơ thể em bé ngay trước khi chào đời. Đây là lý do tại sao các em bé "sinh đẻ" thường ít bị bệnh về đường hô hấp hơn các em bé "sinh mổ".
Sau khi em bé ra khỏi người mẹ, oxytocin tiếp tục giúp tử cung người mẹ co bóp để "dọn dẹp" tử cung khi "tống" núm nhau và mảnh vỡ của túi nước ối ra ngoài, đồng thời đóng tất cả các mạch máu nối với nhau thai lại và bắt đầu làm cho tử cung người mẹ co lại về kích thước ban đầu trước khi mang thai. Beta-endorphine trong người mẹ sẽ giảm nhanh khoảng 20 phút sau khi em bé ra đời, trong khi prolactin đảm bảo các tuyến sữa hoạt động tốt cho em bé. Prolactin cũng có tác dụng làm người mẹ trở nên "nhạy cảm", "hung hăng" và có những hành vi mang tính "bảo vệ" trước những "đe dọa" nào có thể ảnh hưởng đến 2 mẹ con. Bản năng này cũng tương tự như loài vật khi con mẹ trở nên dữ tợn trong thời gian cho con bú sữa.
Catecholamine cũng sẽ sụt giảm sau khi em bé ra đời, nên người mẹ có thể cảm thấy "lạnh toát" toàn thân hoặc "đuối sức". Khi prolactin kết hợp cùng với oxytocin, 2 hormone này giúp bà mẹ được thư giãn và gắn bó hy sinh khi chăm sóc cho cháu bé, góp phần giảm stress và tạo cảm giác "sung mãn" và "hài lòng" cho người mẹ và làm cho sức khỏe và tâm sinh lý của cháu bé được phát triển tốt hơn.
...
"Sinh mổ" là một động tác "thô bạo" làm phá vỡ tất cả mọi quy trình nội tiết tố tự nhiên của người mẹ. Khi oxytocin làm tử cung giãn ra thì bác sĩ đã rạch một đường làm rách đi phần cơ dưới của tử cung này để "lôi" thai nhi ra ngoài. Vì thế, về vật lý, tử cung của người mẹ "sinh mổ" sẽ bị tổn thương bất thường và suy yếu sau lần "sinh con" đầu tiên, và hồi phục lâu hơn so với tử cung của một bà mẹ "sinh đẻ". Phần lớn các em bé "sinh mổ" bị "thiếu tháng" khi bác sĩ thường lên lịch sớm hơn thời gian mà đứa bé "dự tính" ra đời một cách tự nhiên. Các hormone trong người mẹ cũng sẽ bị xáo trộn khi "sinh mổ" vì em bé không "chui ra" theo quy trình tự nhiên nói trên mà bị bất ngờ "lôi tuột" ra khỏi người mẹ. Sự mất cân bằng về hormone trong cơ thể người mẹ khi "sinh mổ" có thể dẫn đến trầm cảm âm ỉ và kéo dài hơn so với "sinh đẻ". Các bà mẹ cũng có thể phải hạn chế "sex" với chồng mình trong thời gian lâu hơn khi "sinh mổ" vì có thể gây động làm rách hoặc tạo sẹo trên vết mổ. Ngoài ra, "sinh mổ" cũng làm các bà mẹ phải kiêng một số thức ăn có đạm, dẫn đến chất lượng sữa cho con kém hơn.
Em bé khi "sinh mổ" phải hứng chịu một lượng thuốc mê và thường "ngủ lì" mê mệt sau khi sinh ra, thay vì nhanh nhạy tỉnh táo như các em bé khác để nhận thức thế giới xung quanh. Trong một nghiên cứu trong thập kỷ 1990, các em bé "sinh mổ" thường "khó dạy", dễ bệnh tật (do hệ thống đề kháng yếu), chậm phát triển, ít tập trung hay có những tính khí thất thường. Điều này khá tương đồng về Chiêm Tinh Học, khi phần lớn các cháu bé có "định mệnh" để "sinh mổ", "sinh non" hoặc "sinh khó" thường có chung một số mẫu hình góc chiếu khó khăn liên quan đến điểm Mọc, Hải Vương Tinh, Diêm Vương Tinh, cung Nhà 1 và cung Nhà thứ 8.
Như nhiều chiêm tinh gia khác, tôi tin rằng việc các cha mẹ "chọn lựa ngày tháng" để "sinh mổ" là HOÀN TOÀN KHÔNG CẦN THIẾT (trừ những trường hợp cấp cứu). Nói cách khác, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp có thể gây nguy hiểm tính mạng đến 2 mẹ con hoặc bà mẹ có một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thì việc "sinh mổ" chỉ nên là "lựa chọn CUỐI CÙNG", và tôi khuyến khích các bà mẹ nên thoải mái thực hiện "thiên chức" của mình bằng cách "sinh đẻ" (sinh thường) nếu có thể được. Nhiều trường hợp cha mẹ muốn "sinh đẻ", nhưng đến "phút 89" lại phải "sinh mổ" vì một lý do "kỹ thuật" nào đó với em bé thì cũng không sao cả: người mẹ đã cố gắng hết sức của mình để tạo điều kiện tốt nhất cho em bé rồi thì phần còn lại (phải sinh mổ) thì hãy xem như "ý trời".
Các em bé nên được sinh ra tự nhiên khi linh hồn của các em tự "lựa chọn" thời khắc để "chào đời", cũng giống như một chú gà con tự phá vỏ trứng để chào đời khi thời điểm chín muồi, trừ khi vỏ trứng bị bể trước vì một lý do nào đó. Các cha mẹ nên nghĩ trước đến việc đầu tư việc nuôi dạy các em "sau khi sinh ra" hơn là bị ám ảnh bởi áp lực "sinh mổ" hay "sinh đẻ". Với điều kiện y tế ngày nay, các bác sĩ có thể can thiệp hầu hết các trường hợp khó khăn khi "sinh đẻ" mà không cần phải đi đến quyết định "sinh mổ".
Nhiều người cũng lầm tưởng khi cố gắng "thiết kế lá số" cho con mình, nhưng họ quên rằng một lá số chiêm tinh KHÔNG BAO GIỜ hé lộ chính xác chuyện gì "sẽ" hay "sẽ không" xảy ra đến với bạn, mà lá số chiêm tinh chỉ cho thấy TIỀM NĂNG (potential) bên trong con người của bạn và hoàn cảnh của bạn tương tác với các động lực trên bầu trời như thế nào. Mọi kết quả cuối cùng sẽ TÙY THUỘC VÀO QUYẾT ĐỊNH CỦA BẠN ( = "ý chí tự do của con người") trong cách khai thác và tận dụng các động lực / cơ hội ấy mà chẳng có một cha mẹ nào hay ai có thể "can thiệp" được.
* CÁCH GHI NHẬN GIỜ SINH CHÍNH XÁC:
Về lý thuyết chiêm tinh học, "giờ sinh" (birth time) cho lá số được tính ngay từ giây phút lúc em bé HÍT VÀO HƠI THỞ ĐẦU TIÊN sau khi thoát ra khỏi bụng của người mẹ, dù là em bé đó được sinh "đẻ" hay sinh "mổ".
Lâu nay, các chiêm tinh gia có những cách khác nhau để ghi nhận thời điểm "hít vào hơi thở đầu tiên" này:
- Có người chọn lúc cơ thể bé hoàn toàn ra khỏi người mẹ (dưới chân nếu đầu ra trước, hoặc phần đầu nếu chân ra trước).
- Có người chọn lúc bé khóc tiếng khóc đầu tiên.
- Nhiều chiêm tinh gia khác (trong đó có tôi) thì cho rằng giờ sinh của bé chính là lúc bé được CẮT DÂY RỐN - nghĩa là lúc bé chính thức tách ra hoàn toàn khỏi cơ thể mẹ và trở thành một sự sống độc lập.
Nếu bé được sinh theo phương pháp liên sinh (lotus birth) - nghĩa là bé được sinh ra với đầy đủ dây rốn (dây nhau - umbilical cord) từ bụng mẹ rồi để dây rốn đó tự rụng đi sau 3 đến 10 ngày - thì giờ sinh tính từ lúc toàn bộ dây rốn cùng với bánh nhau (nhau thai - placenta) được kéo ra hết, tách khỏi bụng mẹ.
[CCT]
* Phiên bản 1.3.2, đăng lần đầu ngày 26/1/2015, cập nhật lần 2 ngày 4/4/2023, lần 3-4 ngày 23/6/2024, lần 5 ngày 25/11/2024
* Link về bài viết này: cct.tips/cth101005, cct.tips/sinhmo hoặc bản nguyên thủy trên Facebook: cct.tips/sinhmofb