HƯỚNG DẪN CÁCH CHUẨN BỊ VÀ NHẬP THÔNG TIN CHO CÁC DỊCH VỤ CCT
Khi đăng ký dịch vụ CCT (Chòi Chiêm Tinh), bạn cần chuẩn bị đủ 5 thông tin sau:
- Họ tên
- Ngày tháng năm sinh
- Giờ sinh
- Nơi sinh
- Giới tính
Để báo cáo có kết quả chính xác nhất và tránh tốn kém, mất thời gian cho các bên, bạn sẽ cần lưu ý các vấn đề như sau về 5 thông tin trên. Phần này cũng giải thích một số thắc mắc thường gặp và cách xử lý của CCT khi phát sinh vấn đề từ thông tin mà bạn cung cấp.
(bấm vào các thanh nút cho từng bước dưới đây để xem nội dung)
Đây là tên sẽ hiển thị trên báo cáo gửi cho bạn. Nếu bạn không muốn có HỌ thì ít nhất phải có TÊN.
Bạn muốn tên gì cũng được nếu bạn chỉ quan tâm và đăng ký các dịch vụ khác. Nhưng nếu bạn đăng ký dịch vụ báo cáo Định Hướng Nghề Nghiệp (ĐHNN), tên của bạn sẽ được phân tích trong một chương mục riêng về "thần số" (xem bên dưới). Do đó, nếu bạn đăng ký dịch vụ này bây giờ hoặc có dự định sẽ sử dụng dịch vụ ĐHNN trong tương lai thì bạn nên bắt đầu dùng tên thật và tên thường sử dụng nhất của bạn. Dĩ nhiên, bạn có thể thay đổi họ hay tên lót tùy ý vì lý do riêng tư, nhưng phần tên tốt nhất vẫn là tên thật của bạn.
- Tên tiếng Việt: cần gõ dấu đầy đủ. Nếu bạn không gõ dấu tiếng Việt cho tên Việt, tên không dấu sẽ được sử dụng.
- Nếu là tên tiếng Anh: điền theo thứ tự với dấu phẩy "Họ, Tên" hay "Last Name, First Name". Phần "Tên" hay "First Name" sẽ trở thành tên gọi của bạn trong báo cáo.
- Lưu ý: báo cáo Định Hướng Nghề Nghiệp có riêng một chương về Thần Số (numerology) chuyên phân tích theo "Tên" hay "First Name" của bạn. Nếu bạn liệt kê thêm "tên ở nhà" hay nhiều tên khác, chỉ duy nhất 1 tên sẽ được phân tích. Nếu là vậy, hãy nêu rõ tên bạn muốn chọn phân tích trong báo cáo, hoặc CCT sẽ mặc định theo tên chính (ưu tiên tên tiếng Việt nếu bạn là người Việt) hay "first name" theo địa phương, vùng miền mà bạn sinh ra.
- Nếu bạn muốn phân tích thêm các tên khác hay muốn so sánh sự tốt / xấu của nhiều tên khác nhau thì bạn có thể đăng ký thêm dịch vụ "Chọn Tên Tốt Lành" tại: cct.tips/dkcttl
Ví dụ bạn tên Trần Văn A thì "A" sẽ trở thành tên gọi của bạn trong báo cáo. Nếu bạn đảo ngược thứ tự và ghi là "A Trần": nếu bên CCT không nhận diện ra thì trong một số trường hợp sẽ mặc định dùng họ "Trần" làm tên bạn trong báo cáo.
Nếu không phân tích họ thì tại sao phải để họ khi đăng ký dịch vụ ? Là để tránh nhầm lẫn tên bạn với tên người khác khi lưu hồ sơ bên dịch vụ CCT. Ví dụ, có rất nhiều người tên "A", nên nếu bạn đăng ký với họ tên đầy đủ "Trần Văn A" thì hồ sơ của bạn sẽ đứng riêng khác với "Nguyễn Văn A" hay "Đỗ Thị A", dễ nhận diện hơn là nhóm không họ và phải lưu là A1, A2, A3 ... dành cho những người tên "A" đều không cung cấp họ.
Ngày sinh, tháng sinh và năm sinh mặc định là DƯƠNG LỊCH.
- Nếu bạn chỉ có ngày sinh âm lịch thì vui lòng tham khảo các công cụ online khác để chuyển đổi sang dương lịch. Nếu bạn trên 50 tuổi và gặp khó khăn trong vấn đề này thì có thể nhờ CCT chuyển đổi giúp khi đăng ký.
- Nếu xem cho em bé, ngày sinh phải từ hôm nay trở về quá khứ và không thể là "ngày sinh trong tương lai". Nói cách khác, vì một số nguyên nhân cấm kỵ, CCT không thực hiện dịch vụ cho thai nhi hay em bé chưa được sinh ra.
Nhiều người có 2 ngày sinh: "ngày sinh thật" và "ngày sinh giấy tờ". Vậy thì dùng ngày sinh nào ?
- Chiêm tinh giúp bạn tìm hiểu nguồn gốc bản thân và Sự Thật. Nên muốn biết Sự Thật thì bạn phải dùng ngày sinh Thật. Vì hoàn cảnh / nguyên nhân nào đó, ai cũng có thể "phịa" ra nhiều ngày sinh khác nhau giống như những "nickname", nên ngày sinh "giả" hay ngày sinh "giấy tờ" chỉ có giá trị hành chính, không thể dùng để phân tích trong chiêm tinh, tử vi hay bất kỳ môn huyền học nào khác. Tóm lại, bạn cần dùng ngày sinh thật để đăng ký dịch vụ CCT.
Trước đây, dịch vụ CCT sẽ cần giờ sinh chính xác của bạn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các báo cáo đã được điều chỉnh thiết kế thêm những phương pháp mới để thích ứng với nhiều mức độ chính xác khác nhau trong giờ sinh của bạn.
Nghĩa là, bạn có giờ sinh chính xác thì rất tốt, nhưng nếu giờ sinh bạn không quá chính xác thì cũng không sao và bạn vẫn có thể đăng ký dịch vụ !
Bởi vì hiện nay, nội dung báo cáo chia ra thành 2 phần chính (i) dành cho giờ sinh chính xác và (ii) phần dành cho giờ sinh không chính xác. Giờ sinh bạn càng chính xác thì càng có nhiều nội dung trong báo cáo sẽ đúng hay áp dụng cho bạn. Còn nếu giờ sinh bạn không chính xác thì chỉ có những nội dung dành cho "giờ sinh không chính xác" mới áp dụng cho bạn và bạn có thể bỏ qua (không cần đọc) các nội dung còn lại.
- Thông tin về độ chính xác của giờ sinh: cct.tips/giosinhchinhxac
Cách lấy giờ sinh chính xác cho việc sinh đẻ hay sinh mổ thì có thể xem hướng dẫn ở cuối bài viết này: cct.tips/sinhmo
Lý tưởng nhất đó là giờ sinh của bạn chính xác đến từng phút. Đây là giờ sinh chính xác nhất được lấy từ giấy chứng sinh (birth record) của bệnh viện trước khi có giấy khai sinh (birth certificate) từ chính quyền.
- Ở Việt Nam thì giấy chứng sinh do bệnh viện ghi nhận và nhiều bệnh viện lớn có lưu giữ thông tin này. Trong khi đó, giấy khai sinh (thường không có giờ sinh) được chính quyền địa phương lưu giữ thông tin và cấp phát cho người dân bản gốc và bản copy khi có yêu cầu trích lục. Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương có thể lưu giữ "hồ sơ gốc" - trong đó có (bản copy) giấy chứng sinh, nên muốn tìm kiếm giờ sinh thì phải xin trích lục thêm "hồ sơ gốc" mà cha mẹ / người thân đã khai báo với chính quyền.
- Ở một số những quốc gia khác trên thế giới thì giấy chứng sinh và giấy khai sinh được nhập làm một (giấy chứng sinh cũng là giấy khai sinh) và trên đó sẽ ghi nhận giờ sinh chính xác.
- Trong những trường hợp sinh ngoài bệnh viện (sinh tại nhà, ở ngoài đường hay trên xe cộ) thì y tá bác sĩ, người bảo sinh hay chính cha mẹ có thể lập giấy chứng sinh ở cơ sở y tế / bệnh viện gần nhất (hoặc nơi họ công tác) rồi mới có giấy khai sinh với chính quyền địa phương.
Tóm lại, giờ sinh ghi nhận trên giấy chứng sinh thường là giờ sinh chính xác nhất, nếu có sai số thì tốt nhất không nên quá ± 5 hay 10 phút. Giờ sinh sẽ bắt đầu kém chính xác nếu sai số dao động trên ±10 phút. Ví dụ dao động ±15 phút đến ±30 phút trở lên thì có thể được xem như là "giờ sinh không chính xác".
Nếu bạn đăng ký với một "khung giờ" thì CCT sẽ lấy "mốc chính giữa" để làm giờ sinh cho báo cáo. Ví dụ, bạn cho giờ sinh dao động 9h00' đến 9h30' thì CCT sẽ mặc định lấy giờ sinh là 9h15' để làm báo cáo cho bạn (trừ khi có yêu cầu khác).
Kể từ 0h00' ngày 13/6/1975, múi giờ (timezone) ở Việt Nam được thống nhất là +7h00 GMT (múi giờ thứ 7 tính từ kinh tuyến Greenwich). Nếu bạn sinh ở Việt Nam thì đây là múi giờ mặc định và bạn không cần bận tâm cung cấp hay làm gì thêm.
Nếu bạn được:
- sinh ở nước ngoài
- sinh ở miền Nam (dưới vĩ tuyến 17) trước 1975 hoặc
- sinh ở những địa phương trên thế giới có sự thay đổi giờ theo mùa hè và mùa đông (DST - Daylight Saving Time)
---> hãy điền đúng theo giờ đã ghi nhận trên giấy chứng sinh của bạn và đừng tự ý điều chỉnh hay thêm bớt giờ vào giờ sinh của mình (vì trong báo cáo sẽ tự động cân chỉnh đúng múi giờ cần thiết).
Các mục trong báo cáo về tình duyên không cần giờ sinh quá chính xác. Tuy nhiên nếu giờ sinh rơi vào "ranh giới khung giờ" thì coi chừng kết quả có thể bị sai. Ranh giới khung giờ có thể là giờ điểm Mọc hay giờ âm lịch.
- Nếu bạn từng có báo cáo CHTD thì phần này đã phân tích sẵn / nhận định ở mục 3.3.1. Trong báo cáo ĐHNN và XHVH cũng cảnh báo về vấn đề này, nhưng phiên bản báo cáo THTD thì hiện tại chưa có.
- Nên nếu muốn biết chắc chắn thì lý tưởng nhất nên đăng ký báo cáo CHTD trước, nếu ổn thì đăng ký báo cáo THTD sau. Sở dĩ phải phân tích mới biết vì mỗi ngày trong năm các ranh giới này đều thay đổi, nên ví dụ bạn nói giờ sinh mình "từ 8h00' sáng đến 8h20'" thì rất mơ hồ vì không biết là khung giờ sinh ấy rơi vào ngày sinh nào của năm nào ?
- Hoặc bạn có thể tự kiểm tra giờ sinh (miễn phí) xem có phạm ranh giới khung giờ hay không bằng cách:
- Vào trang công cụ: cct.tips/sunrise để kiểm tra giờ âm lịch và
- Lập lá số: cct.tips/laplaso để kiểm tra giờ điểm Mọc
Ở các trang này, nhập vào các thông tin của bạn / người yêu như hướng dẫn và xem liệu giờ sinh âm lịch của bạn / người yêu có "nằm gọn" trong kết quả khung giờ âm lịch hay không ?
Tương tự cũng xem nếu vị trí điểm Mọc có quá gần ranh giới chuyển cung Hoàng Đạo hay không ? (gần 0° hay sát 29°) v.v...
Với báo cáo tình duyên, cần nói rõ là việc sai lệch giờ sinh vẫn sẽ ảnh hưởng đến một số chi tiết trong báo cáo, chẳng hạn như thời gian khởi vận (vấn đề này CCT giải thích trong báo cáo ĐHNN phiên bản mới nhất 10.6) và một số tính toán về thời điểm "tốt / xấu" cho chuyện tình cảm hôn nhân.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ quan tâm đến việc đối tượng có hợp với mình lâu dài hoặc cho hôn nhân hay không thì việc sai lệch giờ sinh trên sẽ hầu như không ảnh hưởng đáng kể đến nội dung chính của báo cáo.
- Khi nhập ngày tháng năm sinh + giờ sinh trong mẫu đăng ký cho 1 người, bạn cần nhập theo đúng thứ tự như sau (cách nhau bằng dấu "/"):
ngày sinh (dương lịch) / tháng sinh / năm sinh / giờ sinh (sáng/chiều) (nơi sinh và giới tính chọn trong ô khác)
- Còn nếu đăng ký theo nhóm thì bạn cần lập ra một danh sách cho nhóm theo dạng sau cho mỗi người, rồi cắt dán (copy & paste) tất cả vào ô trống trong mẫu đăng ký dịch vụ:
Số thứ tự - Họ tên, ngày sinh (dương lịch) / tháng sinh / năm sinh / giờ sinh (sáng/chiều) / nơi sinh / giới tính / tên dịch vụ cần thực hiện (có thể viết tắt ĐHNN, CHTD hay XHVH v.v...)
Ví dụ về cách nhập giờ sinh:
- Bạn sinh lúc 4 giờ 15 phút chiều ngày 7 tháng 4 năm 1992 thì điền vào là: 7 / 4 / 1992 / 4g15' chiều.
- Giờ sinh còn có thể ghi là: 16h15', 16:15, 4h15pm, 4g15 pm hay 4:15pm đều được.
- Và nếu bạn ghi là 4g15' mà không ghi thêm "sáng" hay "chiều", "am" hay "pm" thì sẽ mặc định được xem như là buổi "sáng".
- Nếu bạn sinh vào 4 giờ 50 phút thì bạn điền là 4h50' hay 16g50' ... nhưng nếu bạn điền là 4h5 thì sẽ được hiểu là "4 giờ 5 phút".
- Nếu giờ sinh là 15 phút sau "nửa đêm" thì bạn cần ghi là 0h15', 0:15, 12:15 sáng hay 12:15 am là được.
- Nếu giờ sinh là 20 phút sau "giữa trưa" thì bạn ghi là 12h20', 12:20, 12g20' trưa hay 12:20 pm là đúng, còn nếu ghi là 12h20' sáng sẽ được hiểu như 0h20' (tức khoảng sau nửa đêm).
Lá số chiêm tinh cần thông tin nơi sinh của bạn. Đây có thể là tên thành phố, thị trấn hoặc tên trung tâm xã gần nhất với nơi sinh.
- Nếu bạn chỉ ghi tên huyện hay tên tỉnh và kích thước ranh giới từ đông sang tây của huyện / tỉnh đó lớn hơn 20km thì đó là một "nơi sinh không hợp lệ" (và bên tôi sẽ gửi thông báo cho bạn bổ sung để dịch vụ có thể được tiếp tục).
- Nếu nơi sinh có thể trùng tên với một địa phương khác thì ghi thêm tên tỉnh, và nếu không ở trong thành phố thì có thêm tên bệnh viện / nhà bảo sanh / trạm xá - bao gồm địa chỉ (ngày nay).
- Nếu địa chỉ cũ / địa phương cũ nay đã đổi tên, không còn giữ tên cũ nữa thì vui lòng cung cấp tên mới hay tên hiện tại của nơi đó.
- Nếu những cơ sở này hiện nay đã di dời / thay đổi địa chỉ sang một nơi khác thì ghi lại địa chỉ cũ lúc bạn sinh ra hoặc tọa độ địa lý của nơi sinh nữa càng tốt. Để có tọa độ địa lý, bạn có thể dùng Google Maps trên máy bàn (desktop) và nhấp chuột phải (right-click) trên địa điểm nơi sinh để hiện ra menu. Trên menu đó, bấm vào dãy số đầu tiên để chép (copy) tọa độ địa lý, rồi dán (paste) vào ô "nơi sinh" trên mẫu đăng ký dịch vụ CCT.
Tóm lại, nơi sinh tốt nhất cần có phạm vi không quá 20km hay có sai số trong bán kính ±10 km.
- Nếu chi tiết nơi sinh bạn cung cấp không được tìm thấy trên bản đồ (ví dụ như thôn, ấp, xóm, làng v.v...) thì nơi sinh theo khu vực hành chính là phường, quận, thị trấn, xã hay thành phố ... trong phạm vi dưới 20km sẽ được chọn làm nơi sinh trong báo cáo của bạn.
- Xem thêm thông tin về độ chính xác của nơi sinh: cct.tips/rlVOV
Lưu ý về hiện tượng "trôi tọa độ" trên Google Maps:
CCT sử dụng công cụ bản đồ phổ biến nhất hiện nay là Google Maps để xác định tọa độ nơi sinh của bạn cho việc lập lá số trong tất cả các dịch vụ. Tuy nhiên Google Maps có một vấn đề là hiện tượng "trôi tọa độ" xảy ra cứ mỗi vài năm. Nghĩa là tọa độ của một địa điểm có thể bị thay đổi theo thời gian - ví dụ, tọa độ nhà bạn năm 2024 có thể khác với tọa độ năm 2020 và cũng có thể sai lệch với tọa độ ghi nhận hồi năm 2017 v.v... Theo quan sát của CCT thì sự sai lệch này thường dao động từ vài mét đến không quá 300 mét.
- Không rõ lý do có phải liên quan đến "an ninh quân sự" hay "thay đổi thuật toán" của phía Google (?) nhưng điều này có thể dẫn đến một số sai lệch trong vị trí nơi sinh trong báo cáo của bạn. Nghĩa là tọa độ Google Maps của vị trí nơi sinh trong báo cáo của bạn cũng có thể bị lệch từ vài mét đến không quá 300 mét so với thực tế. Nguyên nhân là vì CCT ghi nhận tọa độ nơi sinh của bạn từ vài năm trước nhưng đến năm nay trên Google Maps, nơi sinh đó bị "trôi" đến một tọa độ khác cách đó không xa ! Tuy nhiên bạn có thể an tâm vì điều này hầu như (99.99999%) không ảnh hưởng đến kết quả báo cáo bởi vì nó vẫn hoàn toàn nằm trong sai số bán kính ±10 km như đã nói trên.
- Do đó, nếu bạn cung cấp thông tin tọa độ cho nơi sinh của bạn và nơi sinh đó đã được ghi nhận trước đây trong cơ sở dữ liệu của CCT thì CCT sẽ sử dụng lại tọa độ nơi sinh mà CCT đã ghi nhận. Còn nếu nơi sinh đó không có trong dữ liệu của CCT hoặc nay đã sai lệch đáng kể (bị "trôi" xa hơn 300 mét) thì CCT sẽ dùng tọa độ nơi sinh mà bạn cung cấp.
Báo cáo Định Hướng Nghề Nghiệp và Chọn Tên Tốt Lành được thiết kế cho mọi giới tính. Nghĩa là nếu giới tính bị nhập sai thì nội dung chính của báo cáo không có gì thay đổi.
Tuy nhiên các báo cáo về "tình duyên" sẽ cần thông tin giới tính đúng của bạn bởi vì trong một số phân tích, mỗi giới tính sẽ cho ra kết quả khác nhau. Đây là giới tính được ghi trên giấy khai sinh của bạn (cho dù lớn lên bạn có thay đổi giới tính khác).
Báo cáo Xu Hướng Vận Hạn có 1 chương dựa trên vận Cửu Diệu dân gian nên cần giới tính đúng, còn các chương khác thì không cần giới tính chính xác.
Xin vui lòng đọc kỹ hướng dẫn trên để nhập cho đúng 5 thông tin quan trọng của bạn lúc đăng ký.
- Bạn cũng có thể muốn xem thêm về chính sách bảo mật của CCT đối với thông tin của bạn ở đây: cct.tips/privacy
Sau khi đăng ký thành công và bạn đã nhận được thư tự động từ CCT, bạn có thể thoải mái chỉnh sửa hoặc bổ sung thông tin đã đăng ký nếu cần thiết. Có 2 cách chỉnh sửa:
- Trả lời (reply) bên dưới theo email tự động "xác nhận đăng ký" ở trên, hoặc
- Đăng ký lại lần nữa
Dù bạn chọn cách nào, CCT sẽ căn cứ trên thông tin nào mới nhất hoặc / và đầy đủ nhất của bạn để thực hiện dịch vụ.
Nếu bạn tiến hành thanh toán cho dịch vụ và đã nhận được xác nhận thanh toán thành công, bạn sẽ có ít nhất từ 4 ~ 6 giờ đồng hồ (hoặc hơn nữa - cho tới trước khi nhận kết quả báo cáo) để chỉnh sửa thông tin. Khi bạn gửi thông tin chỉnh sửa thì khung giờ ước lượng báo cáo được gửi đi sẽ tính từ thời điểm đó - nghĩa là lùi lại từ 4 ~ 6 giờ tiếp theo.
- Ví dụ, bạn nhận được thư xác nhận thanh toán từ CCT lúc 16h00 thì nếu không có gì thay đổi, thời gian sớm nhất bạn nhận được báo cáo sẽ là khoảng 20h00 đến 22h00. Nhưng nếu đến 17h00, bạn nhận ra mình có sai sót thông tin và bổ sung / gửi lại qua email lúc 17h05. Như vậy, thời gian dự kiến bạn nhận báo cáo sẽ bị lùi lại thành 21h05 đến 23h05 v.v...
- Nếu đăng ký bị sai sót hay thiếu thông tin và bạn không bổ sung ngay thì đến lúc CCT xem hồ sơ của bạn rồi thông báo cho bạn, bạn mới bổ sung sau đó thì đó cũng chính là thời điểm mà khung giờ 4 ~ 6 giờ này sẽ bắt đầu, nghĩa là thời gian nhận báo cáo của bạn sẽ bị hoãn lâu hơn. Do đó, việc bạn tự kiểm tra lại thông tin đăng ký rồi bổ sung thiếu sót càng sớm càng tốt là rất quan trọng, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi nhận được kết quả.
Nhưng nếu thông tin bị sai và bạn bỏ qua cơ hội chỉnh sửa này:
- Nếu bạn điền sai thông tin ngày giờ sinh dẫn đến báo cáo bị sai, phí làm lại (mỗi) báo cáo mới sẽ tính như mục "thay đổi thông tin" ở bảng phí cct.tips/phidichvu nếu sai về "phút" hay "giờ" trong cùng 1 ngày.
- Phí này cũng áp dụng khi bạn chủ động yêu cầu một báo cáo mới với giờ sinh mới (thay đổi giờ sinh).
- Nếu sai về "ngày", "tháng" hay "năm" thì xem như bạn đang làm lại một báo cáo hoàn toàn mới với thanh toán cũng như một báo cáo mới.
Xem thêm:
- Quy trình và cách tính phí thay đổi giờ sinh: cct.tips/thaydoigiosinh
* Link về trang này: cct.tips/nhapthongtin